DNVN – Sách trắng Công nghệ giáo dục Việt Nam năm 2024 chỉ ra rằng, năm 2024 bùng nổ các sản phẩm công nghệ giáo dục phân khúc B2C có tích hợp AI để tăng cường trải nghiệm và hỗ trợ cá nhân hoá người học, đặc biệt là các sản phẩm phân khúc học ngoại ngữ.
750 doanh nghiệp EdTech hoạt động tại Việt Nam
Thông tin được đưa ra tại Triển lãm Công nghệ giáo dục Việt Nam (Edtech Expo) công bố Sách trắng và bảng xếp hạng EdTech Việt Nam 2024 ngày 10/8 tại Hà Nội, bà Ngô Ngọc Yến – Giám đốc vận hành EdTech Agency cho biết, trong bối cảnh thị trường công nghệ giáo dục (EdTech) ngày càng phát triển và đa dạng, việc lựa chọn giải pháp phù hợp trở nên ngày càng khó khăn.
Sách trắng và bảng xếp hạng EdTech 2024 sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện về thị trường, bao gồm các số liệu, phân tích và dự báo về xu hướng phát triển trong tương lai. Đây sẽ là nguồn tham khảo đáng tin cậy, hỗ trợ các đơn vị đào tạo và nhà trường trong việc tìm kiếm sản phẩm tối ưu, cũng như giúp các doanh nghiệp nắm bắt xu hướng sử dụng sản phẩm của người dùng.
Sách trắng Công nghệ giáo dục Việt Nam năm 2024 cho thấy, doanh thu trên thị trường giáo dục trực tuyến ở Việt Nam dự kiến sẽ đạt 364,7 triệu USD vào năm 2024. Thị trường nền tảng học tập trực tuyến có giá trị ước lượng là 228,70 triệu USD vào năm 2024. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng trong thị trường giáo dục trực tuyến gần 42,7 USD năm 2024. Số lượng người dùng dự kiến sẽ lên tới 11,8 triệu người dùng vào năm 2029.
Sự kiện thu thút sự tham gia của nhiều nhà trường, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp EdTech và những người đam mê công nghệ giáo dục.
Hiện có khoảng gần 70 quỹ đầu tư ở Việt Nam, chưa bao gồm các quỹ đầu tư ở nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ giáo dục (EdTech). Năm 2023 chứng kiến khoảng gần 200 triệu USD đầu tư cho EdTech. Có khoảng 750 doanh nghiệp EdTech hoạt động tại Việt Nam, cung cấp đa dạng sản phẩm thiết bị phần cứng, phần mềm và dịch vụ.
Khối doanh nghiệp nhà nước cũng tham gia phân khúc nền tảng và hệ thống quản lý học tập K-12 (giáo dục mầm non và phổ thông) bao gồm: Viettel, Mobiphone, FPT.
Các sản phẩm EdTech Việt Nam phân bố trên mọi phân khúc nhưng tập trung chính vào phân khúc ngoại ngữ và đào tạo K-12. Giáo dục STEM có hơn 88.000 bài học STEM được triển khai trong năm 2021-2022 và 2022-2023 bắt đầu từ khối tiểu học.
Về các công nghệ mới nổi trong sản phẩm EdTech Việt Nam, AI được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm công nghệ giáo dục tại Việt Nam. Đặc biệt các sản phẩm EdTech đào tạo ngoại ngữ, các ứng dụng AI trong đó bao gồm: nhận dạng giọng nói, xử lý văn bản, nhận dạng hình ảnh.
Top các yếu tố công nghệ được sử dụng trong sản phẩm EdTech ở Việt Nam trong năm 2023 gồm: ChatGPT, thiết kế lộ trình học tập, game hoá, XR/AR/VR, STEM/STEAM, nhận dạng giọng nói, nhận dạng chữ viết, nhận dạng hình ảnh…
Dự báo bùng nổ các sản phẩm có tích hợp AI
Năm 2024 sẽ bùng nổ các sản phẩm phân khúc B2C có tích hợp AI để tăng cường trải nghiệm và hỗ trợ cá nhân hoá người học. Đặc biệt là các sản phẩm phân khúc học ngoại ngữ. Phân khúc này cũng thu hút nhiều đầu tư nhất, đồng thời nhiều các sản phẩm EdTech quốc tế thâm nhập vào phân khúc này trong năm 2023, 2024 như Testglider, Ielts science…
Theo TS Tô Hồng Nam – Cục phó Cục Công nghệ thông tin phụ trách chuyển đổi số trong giáo dục (Bộ GD&ĐT), quan điểm của Chính phủ cũng như Bộ GD&ĐT là thúc đẩy ứng dụng AI trong dạy và học, trong kiểm tra đánh giá và quản lý tại các nhà trường.
Hiện có khoảng 750 doanh nghiệp EdTech hoạt động tại Việt Nam, cung cấp đa dạng sản phẩm thiết bị phần cứng, phần mềm và dịch vụ.
Những lợi thế của AI trong ngành giáo dục đều thấy rõ như việc giúp học sinh có thể tự học, tiếp cận với kho kiến thức khổng lồ; giảm áp lực cho giáo viên, giúp quá trình kiểm tra, đánh giá hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng AI đối diện với vấn đề về an toàn thông tin, nguy cơ lệ thuộc của người dùng vào công nghệ, vấn đề đạo văn… Do vậy, thời gian tới, cơ quan quản lý và các nhà trường phải xây dựng bộ quy tắc, các hướng dẫn để ứng dụng hiệu quả AI.
Cũng theo Sách trắng, phân khúc giáo dục đại học được quan tâm nhiều trong hai năm gần đây, số lượng các trường xây dựng văn bằng 2 trực tuyến tăng mạnh.
Đào tạo upskill (nâng cao và mở rộng thêm những kỹ năng hiện có của người lao động) và reskill (đào tạo lại các kỹ năng cho người lao động để họ có thể đảm nhận công việc mới thay vì bị mất việc do kỹ năng cũ đã lỗi thời) vẫn tiếp tục tăng.
Các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam tập trung lớn vào việc xây dựng hệ thống học tập riêng và đào tạo thường xuyên cho nhân viên như Vietnam Airlines, FPT, VNPT, Viettel, EVN…
Mảng đào tạo K-12 vẫn thu hút nhiều đầu tư nhất bởi thị trường rộng lớn và sự sẵn sàng chi cho phân khúc này. Tuy nhiên, vẫn tập trung vào sản phẩm nội địa nhưng khá thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bởi tỉ lệ người dùng cao.
Công nghệ và AI là yếu tố cần thiết
Theo Sách trắng, các nhà đầu tư vào thị trường EdTech Việt Nam nên đầu tư vào doanh nghiệp EdTech có sản phẩm phù hợp với xu hướng và nhu cầu thị trường, bảo đảm tính cạnh tranh cao với các sản phẩm miễn phí hiện hữu. Nên ưu tiên đầu tư vào những công ty có mô hình kinh doanh bền vững, coi trọng chất lượng nội dung.
Đối với đơn vị sử dụng EdTech, cần xây dựng chiến lược phát triển lâu dài và bền vững. Nghiên cứu việc áp dụng công nghệ dạy và học một cách đồng bộ trong các môn học thay vì tình trạng tự phát, manh mún và nhỏ lẻ như thực trạng hiện nay tại đa số trường học.
Đối với doanh nghiệp EdTech, công nghệ và AI là yếu tố cần thiết đối với các sản phẩm EdTech hiện nay để thu hút người dùng và nhà đầu tư. Bảo đảm nội dung trong các sản phẩm giáo dục phù hợp với yêu cầu của Bộ giáo dục & đào tạo, các quy định pháp luật của Việt Nam.
Đầu tư nhiều hơn về thiết kế, trải nghiệm người dùng, và các hoạt động truyền thông vì Gen Z chính là bộ phận người dùng đông đảo nhất của các sản phẩm EdTech hiện nay.
Cùng với đó, cần tham gia vào quá trình đào tạo đội ngũ nhân lực lĩnh vực EdTech thông qua việc hợp tác với các trường đại học trong việc xây dựng và hiệu chỉnh chương trình đào tạo…
Minh Thu
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/bung-no-cac-san-pham-cong-nghe-giao-duc-tich-hop-ai/20240810065212950