Cửa tiệm làm tóc của chị Nguyễn Thị Huyền (41 tuổi) nằm trên đường Trần Quang Diệu, phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa lúc nào cũng đông khách chờ làm tóc, sơn móng tay, chân.
Đến với nghề làm đẹp ở tuổi 40, chị Huyền không nghĩ nghề này lại hợp với mình như vậy. Chị Huyền kể, tốt nghiệp THPT chị đi học nghề may rồi làm công nhân tại thành phố Thanh Hóa.
Năm 2020, ảnh hưởng dịch Covid-19, nhà may ít khách, chị Huyền đành nghỉ việc. Khó khăn, chị Huyền xin làm công nhân kiểm hàng ở công ty may mặc ở phường Đông Vinh, thành phố Thanh Hóa.
Theo chị Huyền, công việc ở công ty quá vất vả, “giết” thời gian, chị rời khỏi nhà lúc 7h, nhiều hôm tăng ca đến 21h mới về. Làm quần quật, tăng ca cả tháng nhưng lương nhận được cũng phải dè dặt mới đủ chi tiêu trong gia đình.
“Chồng tôi là lái xe, đi suốt ngày. Nếu tiếp tục công việc, tôi cũng đi từ sáng sớm đến tối mịt, các con không ai chăm sóc, học hành sa sút”, chị Huyền tâm sự.
Giữa lúc đang loay hoay tìm công việc mới, qua một người bạn, chị Huyền tình cờ biết đến lớp học đào tạo nghề làm tóc, móng, trang điểm… miễn phí theo dự án “Làm đẹp để sống – Sống để làm đẹp” ở Trung tâm Hỗ trợ và phát triển phụ nữ tỉnh Thanh Hóa.
Vốn thích làm đẹp cho mình và cho mọi người nhưng chị Huyền vẫn e ngại vì đã 40 tuổi mới bắt đầu học nghề. Song được sự động viên của gia đình, chị em phụ nữ, chị Huyền quyết định đăng ký, nộp hồ sơ phỏng vấn.
Qua vòng phỏng vấn, chị Huyền đậu, rồi theo học. Sau hơn 3 tháng học nghề, với kiến thức tích lũy được, chị Huyền mạnh dạn “khởi nghiệp”, mở tiệm làm tóc nữ, móng, nhận trang điểm.
“Yêu nghề, nghề không phụ”, quán tóc nhỏ cho chị Huyền thu nhập ổn định 14 – 15 triệu đồng/tháng. Những dịp lễ, Tết, thu nhập sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Với nghề này, chị Huyền lại có thêm thời gian dành cho bản thân, chăm lo chu toàn cho gia đình.
Bị mất việc ở tuổi 36, chị Nguyễn Thị Thu, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương đã được Hội Liên hiệp phụ nữ xã giới thiệu đi học nghề làm đẹp. Theo chị Thu, mỗi nghề đều có vất vả khác nhau, với nghề làm tóc, móng, trang điểm dù vất nhưng vẫn được làm việc trong mát, công việc nhẹ nhàng, chủ động được thời gian. Yêu cầu lớn nhất của nghề này là cần phải có sự tỉ mẩn, chịu khó, sáng tạo.
Chị Thu dự tính, hơn một tháng nữa kết thúc khóa học, chị sẽ mở quán tại quê nhà. Chị hy vọng, quán tóc nhỏ sẽ giúp chị có thu nhập ổn định, cùng chồng nuôi 2 con đang tuổi ăn, tuổi học.
Bà Phạm Thị Mơ, giáo viên dạy tại Trung tâm Hỗ trợ và phát triển phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, cho biết, chị Huyền, chị Thu là 2 trong hơn 100 học viên được đào tạo ngành tóc chuyên nghiệp.
Chương trình đào tạo kỹ năng ngành làm đẹp, nâng cao năng lực số cho lao động nữ để thay đổi thu nhập và chất lượng sống tại tỉnh Thanh Hóa do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện từ năm 2019.
Trải qua 6 khóa học, chương trình hướng đến đào tạo nghề làm đẹp miễn phí cho học viên, hội viên phụ nữ trong tỉnh có hoàn cảnh khó khăn hoặc chưa có việc làm để hỗ trợ khởi nghiệp, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho tương lai.
Học xong, nhiều chị em đã mở được tiệm tóc, làm móng, nhận trang điểm mang lại thu nhập 14-15 triệu đồng/người/tháng. Các chị em không có điều kiện mở quán sẽ được trung tâm giới thiệu việc làm ở các salon chuyên nghiệp khác, mức lương 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Theo bà Mơ, chương trình dạy nghề tóc, nail, makeup được thực hiện từ năm 2009 tại Việt Nam, đã mang đến cơ hội việc làm cho gần 15.000 người (chủ yếu là phụ nữ) có hoàn cảnh khó khăn và 90% trong số này theo đuổi nghề làm đẹp.