Mùa báo cáo tài chính quý 3-2024 khép lại. Số liệu cho thấy mức tăng trưởng toàn thị trường được đóng góp chủ yếu bởi nhóm phi tài chính.
Theo WiGroup, tính đến đầu tháng 11, đã có hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết đại diện gần 98% vốn hóa toàn thị trường công bố kết quả kinh doanh quý 3-2024 với tăng trưởng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn lũy kế 9 tháng đầu năm nay, mức tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường chỉ khoảng 10%.
Nông nghiệp, dệt may là điểm sáng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Đắc Nguyên – trưởng phòng phân tích Công ty giải pháp dữ liệu WiGroup – cho biết con số tăng trưởng quý 3 năm nay tiếp tục thể hiện sự phục hồi của khối doanh nghiệp niêm yết.
Đáng chú ý theo ông Nguyên, tăng trưởng quý 3-2024 được đóng góp chủ yếu bởi nhóm phi tài chính, còn nhóm tài chính “đuối” hơn do kết quả kém đi khi ngành chứng khoán giảm 11% và bảo hiểm phi nhân thọ giảm hơn 60%.
Dữ liệu cũng chỉ ra nhóm ngân hàng đóng góp tới một nửa lợi nhuận toàn thị trường, nhưng quý 3 này cũng tăng trưởng chậm lại.
Theo đó, một số ngân hàng báo lỗ lớn hoặc suy giảm lợi nhuận đáng kể vì tăng trích lập dự phòng, nợ xấu tăng cao.
Ngược lại, dữ liệu từ báo cáo tài chính quý 3 năm nay chỉ ra tăng trưởng lợi nhuận cao đến từ nhóm hàng tiêu dùng như bán lẻ, may mặc hay liên quan tới nông nghiệp như thực phẩm, chăn nuôi, thủy sản, cao su, phân bón…
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu – trưởng phòng phân tích chiến lược Chứng khoán KIS Việt Nam – cho biết có nhiều ngành phục hồi tốt như xuất khẩu cá tra hay các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Việt Nam như cà phê, gạo, tiêu… trong bối cảnh cầu thị trường quốc tế phục hồi đáng kể.
Số liệu mới công bố cho thấy 10 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu rau quả, cà phê, gạo lập kỷ lục khi giá các loại này tăng vọt trong năm qua.
Ngoài ra nhóm thực phẩm như chăn nuôi, chế biến thịt cũng có lợi nhuận tăng đáng kể nhờ giá thịt heo tăng mạnh.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết do tỉ trọng doanh nghiệp nông nghiệp lên sàn còn thấp nên chưa phản ánh và đóng góp nhiều vào bức tranh lợi nhuận chung khối niêm yết.
Ngoài ra theo ông Hiếu, ngành dệt may cũng đang phục hồi tốt trong quý 3 này. Một loạt doanh nghiệp như Vinatex, May Sông Hồng, Việt Tiến, TNG… đều báo lợi nhuận tăng bằng lần trong quý gần cuối năm này.
Bà Trần Thị Khánh Hiền – giám đốc khối phân tích Chứng khoán MB (MBS) – chỉ ra lợi nhuận toàn thị trường quý 3 duy trì đà tăng trưởng nhờ hỗ trợ bởi một số yếu tố như môi trường lãi suất thấp, tỉ giá giảm mạnh, sản xuất và tiêu dùng đang trên đà phục hồi.
Quý 4 còn đà phục hồi?
Theo ông Trương Đắc Nguyên, lợi nhuận toàn thị trường quý 4 sẽ tiếp đà phục hồi. Dẫn dữ liệu PMI của S&P Global, ông Nguyên cho biết ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 10 đã bắt đầu hồi phục sau ảnh hưởng của cơn bão Yagi xảy ra hồi tháng 9. Theo đó, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều ghi nhận tăng trở lại.
Với xuất khẩu, nhóm nông nghiệp, thủy sản, bán lẻ, dệt may… sẽ có đà phục hồi tốt hơn trong bối cảnh cầu quốc tế tăng tốt hơn.
Nhóm phân tích Chứng khoán BSC cũng cho rằng đối với nhóm dệt may xuất khẩu trong quý 4 và cả năm 2025, tình hình đơn hàng sẽ được đảm bảo nhờ nhu cầu hồi phục tại thị trường Mỹ.
“Việc FED đã bắt đầu hạ lãi suất kể từ tháng 9-2024 được kỳ vọng sẽ là yếu tố hỗ trợ cải thiện nhu cầu tại Mỹ”, theo chuyên gia BSC.
Chưa kể hàng tồn kho quần áo Mỹ tiếp tục neo ở mức thấp so với chu kỳ trước (2021 – 2022). Qua trao đổi với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ may mặc thì hiện tại lượng đơn hàng cơ bản đã được lấp đầy đến hết năm 2024, một số doanh nghiệp đã bắt đầu đàm phán nhận đơn cho nửa đầu năm 2025″ – chuyên gia BSC cho biết.
Phải đa dạng hóa thị trường
Ông Đinh Quang Hinh – trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán VNDIRECT – bày tỏ lo ngại một số thách thức đối với xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Đầu tiên là ảnh hưởng từ sự kiện đình công tại các cảng biển miền đông nước Mỹ. Nếu vấn đề này không được sớm giải quyết sẽ có ảnh hưởng nhất định tới xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo ông Hinh, để đảm bảo xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động mở rộng thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro và tác động từ việc quá tập trung vào một thị trường hay một nhà cung cấp nhất định.
Ngân hàng Nhà nước cũng nên điều hành tỉ giá ổn định và có thể dự báo được nhằm hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/buc-tranh-sang-nhin-tu-cong-ty-niem-yet-20241103084738222.htm