Thế giới trải qua một năm đầy biến động, thách thức, đan xen những mảng màu sáng tối trên các lĩnh vực.
Thế giới sắp bước vào năm 2025 với những thách thức mới và cũ. (Nguồn: easy-peasy.ai) |
Xung đột kéo dài
Xung đột Nga-Ukraine leo thang căng thằng với các đòn đáp trả qua lại của nhiều loại vũ khí hiện đại và quy mô lớn hơn. Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATAMCS (Mỹ), Storm Shadow (Anh) tấn công sâu vào lãnh thổ Nga; mở cuộc đột kích một mũi tên nhắm nhiều đích vào Kursk… Mỹ, phương Tây can dự ngày càng sâu, rộng, trực tiếp. Ưu thế chiến trường đang nghiêng về Moscow, viễn cảnh Kiev không thể thắng càng rõ. Cả bên trong và bên ngoài đều nói đến đàm phán, nhưng điều kiện tiên quyết và toan tính chiến lược là rào cản khó vượt qua, ngoại trừ một đột biến quân sự hoặc chính trị.
Chiến sự ác liệt ở Dải Gaza, mở rộng ra Bờ Tây, lan sang Lebanon, kéo theo các đòn đáp trả nguy hiểm giữa Israel và Iran… Đã có những thỏa thuận ngừng bắn, nhưng quá mong manh, chiến sự vẫn tiếp diễn, chưa thấy điểm dừng. Chính phủ Syria sụp đổ chỉ trong vòng 11 ngày, báo hiệu tương lai bất định do đối đầu bên trong và can thiệp từ bên ngoài. Mỹ, Israel và đồng minh đang tạo trật tự mới do mình chi phối, nhưng mâu thuẫn vẫn nguyên vẹn, Trung Đông tiếp tục là chảo lửa.
Căng thẳng âm ỉ trên bán đảo Triều Tiên leo thang nguy hiểm cả trong tuyên bố, hành động. Hai bên tuyên bố từ bỏ ý định hàn gắn quan hệ, gia tăng diễn tập quân sự, thử nghiệm tên lửa, mở rộng hợp tác quân sự với đồng minh… dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm trong khu vực. Nguy cơ bất ổn vẫn tiềm ẩn ở eo biển Đài Loan, Biển Đông…
Năm 2024, xung đột được đẩy lên đỉnh điểm, có thời điểm đã xuất hiện tình thế “bên miệng hố chiến tranh”. Dù các bên kiềm chế chưa đẩy lên mức cao nhất, nhưng cũng khiến thế giới phấp phỏng, lo âu. Xung đột tác động trực tiếp đến chính trị, quan hệ quốc tế, kinh tế và nhiều vấn đề khác.
Mở rộng tập hợp lực lượng
Mỹ và đồng minh dùng đòn trừng phạt kinh tế, tiếp tục bao vây, tách Nga với thế giới, làm suy giảm sức mạnh, ảnh hưởng của Trung Quốc. Mỹ tiếp tục củng cố mạng lưới đồng minh, đối tác; gia tăng hoạt động của các tiểu cơ chế đa phương như Bộ tứ (Quad), AUKUS, tam giác Mỹ – Nhật – Hàn…
Đối lại, Nga làm sâu sắc thêm quan hệ với Trung Quốc; nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược diện với Triều Tiên. Moscow, Bắc Kinh củng cố quan hệ với các đối tác ở châu Á, châu Phi, nâng tầm BRICS.
Sự đan xen, chuyển hóa trong các tập hợp lực lượng rõ nét hơn. Một số nước châu Âu chuyển từ ủng hộ tuyệt đối đòn trừng phạt Nga, đối đầu kinh tế Mỹ – Trung sang “bỏ phiếu trắng”, ủng hộ đối thoại, hoặc tìm cách tránh né. Ấn Độ và nhiều nước vẫn hợp tác với cả Nga, Trung Quốc và Mỹ.
Ông Donald Trump là lựa chọn của Time cho Nhân vật của năm 2024. (Nguồn: Time) |
Ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thứ 47 là một bất ngờ, tạo bước ngoặt trong chính trường, nền kinh tế Mỹ và chính sách đối ngoại. Đầu tàu Đức, Pháp “trật bánh”, đoàn tàu EU xô lệch, một số toa rẽ hướng, là hậu quả từ chính sách kinh tế, đời sống khó khăn, xã hội bất ổn, chia rẽ và vấn đề Ukraine. Sự trỗi dậy của đảng cực hữu ảnh hưởng lớn chính sách quốc gia và mối quan hệ với các nước khác.
Đa cực hóa quan hệ quốc tế trở thành xu thế không thể đảo ngược; yêu cầu đổi mới thể chế quốc tế, Liên hợp quốc mạnh mẽ hơn; tiếng nói của khối quốc gia Nam bán cầu ngày càng thống nhất, có trọng lượng hơn…, là điểm sáng trong bối cảnh thế giới chia rẽ, đối đầu, suy giảm lòng tin.
Kinh tế đan xen sáng tối
Kinh tế thế giới ước đạt tốc độ tăng trưởng 2,7%, với sự phục hồi của Mỹ, Trung Quốc, lạm phát được kiểm soát… Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc chững lại. GDP châu Âu chỉ đạt 1% với nguy cơ suy thoái của đầu tàu Đức, Pháp.
Kinh tế Nga bất chấp hàng chục nghìn lệnh trừng phạt và xung đột, GDP ước đạt gần 4%, nhưng có sự phát triển nóng của kinh tế thời chiến, lạm phát tăng cao, hơn 9%. Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển tập trung ở Ấn Độ, Đông Nam Á, Bắc Phi (GDP hơn 6%), trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, là sự thú vị trong bối cảnh ảm đạm của những nước phát triển.
Xung đột lan rộng, kéo dài, sự gia tăng lệnh trừng phạt, bảo hộ – “con dao hai lưỡi”, “cú sốc năng lượng”, khiến chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu phân mảnh sâu sắc cùng với bất ổn chính trị, xã hội, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới.
Cơn sốt công nghệ AI giúp ngành bán dẫn tăng. |
Công nghệ là điểm nhấn
Thế giới chứng kiến cạnh tranh gay gắt về công nghệ, nhất là chip, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến tình trạng phân mảnh càng mạnh mẽ. Nhưng do nhu cầu thiết yếu và sức mạnh tự thân, công nghệ vẫn không ngừng phát triển, xâm nhập sâu rộng vào nhiều lĩnh vực.
Chuyển đổi số nóng bỏng trên các diễn đàn, nghị trường. AI trở thành một lực lượng chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu, xâm nhập sâu vào sản xuất, dịch vụ, y tế, giáo dục, nghệ thuật và quốc phòng, an ninh…, góp phần nâng cao khả năng của con người, năng suất lao động. Bên cạnh đó, AI khiến nhiều người mất việc làm. Đặc biệt, sự xâm nhập của AI vào quốc phòng, quân sự kéo theo nguy cơ khó lường, đặc biệt trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân.
Kỷ lục không mong muốn
Biến đổi khí hậu làm gia tăng tính cực đoan của thiên tai với những cơn bão khủng khiếp, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và mùa hè nóng nhất trong lịch sử, khiến trái đất “nghẹt thở”. Siêu bão Helene là cơn bão chết chóc thứ hai ở Mỹ trong vòng 50 năm qua. Riêng Việt Nam đã gánh chịu chín cơn bão, trong đó có bão Yagi mạnh nhất 70 năm qua. Tính đến đầu tháng 12, thiên tai làm 514 người chết, mất tích, 2.207 người bị thương, ước tính tổng thiệt hại gần 90.000 tỷ đồng, gấp hơn chín lần năm 2023.
Thảm họa nhân đạo gia tăng trong giao tranh ở Trung Đông, Ukraine và các điểm nóng khác. Theo Liên hợp quốc, đến tháng 10/2024, khoảng 43.000 người Palestine và 1.200 người Israel thiệt mạng. Chống biến đổi khí hậu trở thành vấn đề toàn cầu. Sau hai tuần đàm phán căng thẳng, Hội nghị thượng đỉnh COP29 nhất trí tăng gấp ba lần khoản tài chính công hỗ trợ các quốc gia đang phát triển (đến 300 tỷ USD/năm) và đồng thuận về cách thức hoạt động của thị trường carbon… Dù thực thi còn nhiều khó khăn, nhưng cũng thêm cơ hội cho tương lai xanh.
Thế hệ trẻ đang từng ngày tiên phong thúc đẩy hành động vì khí hậu. (Nguồn: COP28) |
Nhiều vấn đề nổi lên
Một, các điểm nóng không “rời rạc”, các lĩnh vực có sự liên thông, tác động lẫn nhau. Kinh tế bị chi phối sâu sắc bởi các cuộc xung đột và sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, đồng thời là một nhân tố lớn dẫn đến xung đột. Nhiều sự kiện có vẻ bất ngờ, nhưng sâu xa là kết quả của một quá trình, sự tương tác giữa nhân tố bên trong và bên ngoài. Nhân tố chính là sự đối đầu địa chính trị giữa các tập hợp lực lượng, tham vọng của các nước lớn.
Hai, xung đột, đối đầu đặt ra nhiều vấn đề phức tạp về chính trị, quan hệ quốc tế. Đó là nhận thức về mối quan hệ giữa nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia và bảo đảm an ninh cho nước láng giềng; về quyền đáp trả và đòn đáp trả tương xứng…
Ba, xung đột, đối đầu dẫn đến những điều chỉnh chiến lược, chính sách. Nổi bật là các điều chỉnh học thuyết hạt nhân của Nga, chiến lược răn đe hạt nhân của Mỹ, làm gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Xung đột ở Ukraine cho thấy phương Tây, NATO cũng có dấu hiệu mỏi mệt. Trong chiến tranh lạnh, Mỹ có khả năng tiến hành đồng thời hai cuộc chiến tranh lớn, thì nhiều chuyên gia quân sự phương Tây thừa nhận, nay Washington chỉ có thể đáp ứng một cuộc chiến tranh.
Bức tranh năm tới
Xung đột, đối đầu địa chính trị, cạnh tranh quyền lực về thương mại, công nghệ và thay đổi chính sách của Mỹ là những nhân tố chính định hình thế giới năm 2025. Cuộc xung đột ở Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; Israel, Mỹ và đồng minh đang chi phối cục diện, nhưng mâu thuẫn vẫn chồng chất.
Xung đột Nga – Ukraine có thể có bước ngoặt, le lói cơ hội nhưng tiềm ẩn diễn biến khó lường. Tam giác Mỹ, Trung Quốc, Nga vẫn là nhân tố chính tác động đến tình hình thế giới và quan hệ quốc tế. Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump tạo biến động lớn trong quan hệ giữa Mỹ với đối thủ và đồng minh. Gây sức ép, tăng thuế quan là công cụ quan trọng của Washington cả trong kinh tế và xung đột, di cư… Tổng thống Mỹ có thể có cách tiếp cận khác với xung đột Nga – Ukraine.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ quyết liệt hơn. EU chịu nhiều sức ép hơn từ Mỹ, có thể phải giảm căng thẳng với Nga và mâu thuẫn kinh tế với Trung Quốc.
Kinh tế giữ mức tăng trưởng như năm 2024 hoặc hơn chút ít, phụ thuộc vào diễn biến xung đột, đối đầu, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và các đầu tàu. Các nền kinh tế mới nổi, phát triển tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn toàn cầu. Chạy đua phát triển chip bán dẫn và AI sôi động, nhân tố cốt lõi cho sức mạnh kinh tế và quốc phòng, an ninh khiến cuộc đấu trên lĩnh vực này, nhất là giữa các nước lớn càng căng thẳng hơn.
Đường lối độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng đã giúp Việt Nam nằm trong top phát triển nhanh năm 2024. Nền tảng đó và cuộc cách mạng về tổ chức, quyết tâm trong năm cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII và nỗ lực chuẩn bị cho đất nước vào kỷ nguyên mới, là động lực để Việt Nam tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức năm 2025.
Nguồn: https://baoquocte.vn/buc-tranh-2024-va-phac-thao-the-gioi-2025-298615.html