Vở nhạc kịch do tác giả Trần Lệ Chiến viết kịch bản, NSƯT Lê Ánh Tuyết và Đào Duy Anh đạo diễn, đưa các em nhỏ vào thế giới vui nhộn, ngộ nghĩnh, đáng yêu và thấm đẫm nhân văn.
Thông qua vở nhạc kịch, nhằm giáo dục các em nhỏ về lòng dũng cảm, lòng tốt, tính nhân văn, sự vị tha và tình đoàn kết… Biết trân trọng, yêu thương những người xung quanh. Biết giúp đỡ cha mẹ, chia sẻ khó khăn với những người yếu thế trong xã hội. Luôn hướng thiện và đón nhận mọi vui – buồn trong cuộc sống.
Theo Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ NSƯT Sĩ Tiến cho biết: “Xây dựng những chương trình nghệ thuật phục vụ thiếu nhi, nhất là vào mùa hè, luôn là nỗi trăn trở của những người làm nghệ thuật, những cộng tác viên của Nhà hát Tuổi trẻ. Làm sao chúng ta vừa phải có những cốt truyện hay, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, mang tính nhân văn, nhưng cũng phải đáp ứng được nhu cầu thưởng thức, giải trí của các em – đó là sự hài hước, vui nhộn, hồn nhiên, trong sáng …mà không bị gò ép vào khuôn mẫu giáo điều.
Nhận thấy Elsa là nhân vật đặc biệt trong bộ phim hoạt hình “Nữ hoàng băng giá” (Frozen) của Disney’s là một câu truyện hay đã và đang thu hút hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới. Câu truyện trong bộ phim này cũng đã được chuyển thể sang rất nhiều loại hình nghệ thuật khác. Với những tình tiết của câu chuyện và nhân vật nữ hoàng Elsa trong bộ phim đã làm nhiều cô bé thích mê mệt và mong ước mình trở thành nữ hoàng Elsa.
Từ phát hiện đó, ê-kíp thực hiện chương trình chúng tôi đã xây dựng một câu chuyện hoàn toàn mới về mơ ước của một cô bé tên Sữa (tên gọi thân mật ở nhà) để tạo nên một câu truyện ngộ nghĩnh đáng yêu những cũng đầy tính giáo dục cho trẻ nhỏ về cách hành xử trong gia đình, với bạn bè và ngoài xã hội”.
Vở nhạc kịch “Bữa tiệc của Elsa” là câu chuyện kể về Sữa – một cô bé xinh xắn, thông minh, cá tính và được cả nhà cưng chiều, luôn mơ ước mình sẽ hóa thân trở thành những nhân vật xinh đẹp như công chúa, nữ hoàng và có nhiều quyền năng để thỏa sức làm những điều mình muốn.
Cũng vì được chiều chuộng nên Sữa quen đòi hỏi mọi người trong gia đình phải đáp ứng mọi yêu cầu của cô bé. Nếu không vừa ý là Sữa có thể gào khóc, ăn vạ cho tới khi đạt được ý muốn của mình mới thôi. Chính vì thế, Sữa không có khái niệm về sự chia sẻ với những người xung quanh; càng không ý thức giúp đỡ, nhường nhịn; không có ý thức tự chăm sóc bản thân từ những việc nhỏ nhất. Dần dần, không ai muốn chơi với Sữa…
Một lần trong giấc mơ, Sữa bị lạc giữa một cánh rừng không một bóng người mà chỉ toàn muông thú. Trong lúc tuyệt vọng vì sợ hãi bởi những tiếng gầm rú nơi đại ngàn, Sữa chợt bừng tỉnh khi nghe tiếng gọi của chị Vui, một người hàng xóm từng rất thân thiết với Sữa, nhưng chỉ vì tính kích kỷ nên Sữa đã từng đổi xử không tốt với chị Vui. Nhưng chính trong lúc hoạn nạn này, Sữa lại nghe tiếng chị Vui gọi và ra sức cùng các bạn muông thú giúp đỡ Sữa.
Từ đó, Sữa nhận ra nhiều điều và bắt đầu thân thiện hơn với mọi người, giúp đỡ bố mẹ, chia sẻ khó khăn với những người xung quanh. Đặc biệt, Sữa đã luôn biết “Cảm ơn” mỗi khi ai đó giúp đỡ mình và “Xin lỗi” khi đã vô tình làm điều gì đó chưa tốt với người khác.
Từ những thay đổi của Sữa, và những khát khao trở nên xinh đẹp, lộng lẫy như Elsa, nên bố mẹ Sữa đã chuẩn bị cho Sữa một bữa tiệc thật đặc biệt, như một sự ghi nhận những nỗ lực của Sữa đã thay đổi chính bản thân mình, bỏ đi những thói hư, tật xấu và nhân lên những điều tích cực trong cuộc sống.
Hình ảnh Sữa lộng lẫy như Công chúa Elsa bước ra từ câu truyện Frozen, thổi nến, ước nguyện, cắt bánh sinh nhật chung vui cùng gia đình và các bạn nhỏ trong tình yêu thương vô hạn là cái kết có hậu đúng như tên gọi: Bữa tiệc của Elsa.
Bên cạnh câu chuyện nhân văn và ý nghĩa, vở nhạc kịch “Bữa tiệc của Elsa” còn hấp dẫn với âm nhạc mang nhiều phong cách, kết hợp với vũ đạo cuốn hút. Khán giả nhỏ tuổi được hòa mình vào những giai điệu trữ tình về gia đình, bạn bè vui tươi, ấm áp, trong đó có những ca khúc được sáng tác riêng cho chương trình, phù hợp với tình huống, tính cách của từng nhân vật như: “We are family”, “Ước mơ”, “Baby doll”(Lưu Thiên Hương); “Phép màu của tình bạn”, “Những chú gấu vui tính” (Tuấn Nghĩa); “Quả táo xanh đỏ”, “Tình bạn của những chú hề”(Trần Cường); “Bữa tiệc của Elsa”, “Nỗi oan của Na”(Huyền Trung)…
Ngoài ra, vở nhạc kịch cũng đầy sôi động, hứng khởi với các màn nhảy múa street dance (nhảy đường phố), các điệu nhảy đang thịnh hành…/.
Nguồn: https://toquoc.vn/bua-tiec-cua-elsa-vo-nhac-kich-giau-tinh-giao-duc-danh-cho-thieu-nhi-20240516093517543.htm