Sau mấy tháng ở Sài Gòn trong con hẻm bị giăng dây vì Covid-19, con gái về nhà, tuân thủ “chế độ 3 riêng”: phòng riêng, ăn riêng, ngủ riêng. Kết thúc thời gian “tuy gần mà xa”, con gái vỡ òa hạnh phúc với bữa cơm đoàn tụ đầu tiên sau gần nửa năm chia cách.
Con bé nói, bữa cơm như xưa, món ăn như cũ mà có lúc cho cảm xúc như mới. Cá đối chiên, cá sòng nấu ngọt, đậu bắp luộc mà “buộc” con gái phải rưng rưng. Tôi biết những ngày ở phố, trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê, một cái làng ven biển cực nam tỉnh Quảng Ngãi, cô bé nhớ cả mâm cơm với những món quê thân thuộc.
Nghề chính của làng là đánh cá. Đang mùa gió nên biển ít cá lắm. Ra ngoài cửa biển chừng vài hải lý bủa lưới kiếm con cá thật không đơn giản chút nào. Sóng và gió làm con thuyền rung lắc liên tục. Nhưng biển càng làm khó ngư phủ bao nhiêu thì con cá càng được giá bấy nhiêu. Đặc biệt, mùa này sông trôi về biển khá nhiều phiêu sinh vật làm mồi cho cá. Bởi vậy cá mùa này ngon, thơm, rất đậm đà.
Bữa cơm đoàn tụ |
TRẦN CAO DUYÊN |
Làm cá đối và cá sòng chỉ cần chặt vi, đuôi và móc bỏ mang thôi. Bộ lòng để nguyên vì nó có hương vị khá đặc biệt: hơi nhân nhẩn, bùi và béo. Trong mâm, người lớn thường được con cháu mời bộ lòng cá. Vẩy cá đối khi chiên lên ăn rất giòn và thơm. Riêng với cá sòng nấu ngọt, ăn trúng vẩy là “tai họa” vì vẩy rất cứng và nhọn.
Bởi vậy nên khi dọn cá sòng lên người ta không ăn ngay mà dùng đũa cạo đi lớp vẩy. Thịt cá sòng và cá đối thuộc loại lành tính, dinh dưỡng cao. Nước chấm chỉ nên là mắm ớt tỏi nguyên chất. Đây là thứ nước chấm gọi hết cái ngon ngọt của miếng cá ra, làm cho miếng cá càng thêm mặn mà. Người ăn lạt có thể thêm vào chén mắm “rin” tí nước lọc, ít đường và vài giọt chanh. Tuy nhiên, loại nước chấm pha trộn này phải chấm hơi ngập miếng cá thì ăn mới đã.
Với cá sòng và cá đối thì cái câu “khôn ăn cái dại húp nước” không hẳn đúng. Câu đó chỉ “minh triết” đối với ốc luộc thôi. Còn với hai loại cá nói trên, nếu là nấu ngọt, gia vị bình thường, thêm chút hành đập dập và vài lát ớt thì thơm ngon phải biết. Khi đó, thịt cá là điểm nhấn. Còn nước cá là suối nguồn ngon ngọt. Nước cá cay cay dường như chưa đủ đô, phải vớt miếng ớt đã chín trong tô lên, cắn một phát để “cay cay” nâng cấp lên “rất cay” thì mới đã.
Đời người không ai muốn đắng cay. Nhưng vị đắng và cay của lòng cá, của nước cá đối, cá sòng thì ai cũng muốn. Nước cá húp suông cũng ngon, chan cơm ăn cũng trơn tru, chan với bún tươi lại càng vào.
Chợt con bé nói, nước cá ngon quá, lại còn nhiều, con đi mua bún nghen, mỗi người ăn thêm chén bún cho vui. Con cũng muốn ăn bún chan nước cá để “nhớ ơi, chào mi, ta về nhà rồi”. Chắc là “phân khúc” nước cá chan bún luôn trong vùng tiềm thức của nó.
Lâu lắm rồi nhà tôi mới có một bữa cơm “sạch mâm”, trừ xương cá. Con một thân một mình trong phòng trọ giữa dịch bệnh, mình ở nhà lo thắt ruột, ăn không thấy ngon nên bữa nào cũng còn thừa.
Cái món đậu bắp chấm xì dầu khiêm lặng vậy mà cũng không có… lý do tồn tại. Con bé cũng thích món màu xanh vườn nhà. Nó nói, cá thịt mang dinh dưỡng vào cơ thể là để kiến tạo; còn rau quả để thanh lọc, cân bằng, hài hòa. “Tốt nghiệp cấp 4 rồi mà. Ăn nói có vẻ luận lý đó chứ”, tôi khen.
Bữa cơm cá sòng, cá đối, đậu bắp trưa nay chắc sẽ là một bữa cơm quây quần không thể nào quên cho cả gia đình nhỏ của tôi. Vừa dọn mâm, con bé nói, chiều nay lại cá đối, cá sòng nữa đi. Ngon quá mà. Còn chuyện đổi món để mai tính nghen má.