Bếp ăn từ thiện được thành lập từ tháng 8/2022, nằm trong khuôn viên Bệnh viện Y học cổ truyền, Phường 1, TP Cà Mau. Dù mới chỉ hoạt động thời gian ngắn nhưng là địa chỉ được người bệnh, người nhà và y, bác sĩ lui tới thường xuyên, giúp mọi người vững bụng để làm việc cũng như tiếp tục điều trị bệnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Hằng và bà Nguyễn Thị Thu Nga (cùng 61 tuổi) thay nhau đứng bếp và quản lý. Tại đây, dù chỉ phục vụ những suất ăn chay, nhưng thực đơn phong phú, thay đổi liên tục, từ món kho, canh đến xào…
Do lượng bệnh nhân điều trị nội trú khá nhiều, trung bình mỗi ngày bếp ăn phục vụ khoảng 900 suất, chia làm 3 bữa ăn: sáng, trưa, chiều. Ðể phục vụ được số lượng khẩu phần ăn lớn, mỗi ngày bếp ăn sẽ nổi lửa từ 3 giờ sáng và kết thúc vào 5 giờ chiều.
Ðúng giờ, người nhận xếp hàng chờ đến lượt nhận thức ăn. Mỗi ngày 3 cữ, số lượng khẩu phần phát lên đến 900 suất.
Bà Hằng bộc bạch: “Tôi xuất thân là đầu bếp nấu đồ mặn, tuy nhiên, gần 20 năm nay tôi chuyển sang ăn chay trường. Ngoài phụ trách bếp ăn, tôi nhận nấu tiệc chay. Tất cả số tiền nhận được, tôi phụ bếp mua gia vị và nguyên liệu. Mặc dù là ăn chay nhưng tôi luôn chú trọng dinh dưỡng trong mỗi suất ăn, đồng thời tìm những công thức, món ăn mới lạ để người bệnh ăn được ngon miệng nhất”.
Sáng 6 giờ, trưa 10 giờ và chiều 16 giờ, bếp ăn phát cơm, mọi người mang đồ theo đựng và xếp hàng trật tự, ai đến trước nhận trước, ưu tiên cho những ông, cụ bà lớn tuổi.
Bà Nga tâm sự: “Bếp ăn đã chiếm phần lớn thời gian của tôi, ngoài đứng bếp, khi có ai cho nguyên liệu, tôi sẽ đến chở hoặc họ sẽ mang đến tận nơi. Các mối thâm tình của bếp phải kể đến nhóm từ thiện An Nhiên, Phật giáo Hoà Hảo, tiểu thương chợ Phường 7… rất nhiệt tình và sẵn lòng giúp đỡ, từ lúc bếp thành lập đến nay. Dù bận, có lúc mệt vì mình lớn tuổi nhưng đổi lại tôi rất vui và hạnh phúc vì những người mình giúp thực sự họ rất cần. Tôi chỉ cầu mong bản thân có sức khoẻ để tiếp tục chung sức duy trì bếp ăn”.
Người nấu, người cho và cả người nhận đều vui. Lặng lẽ từng ngày bếp ăn đỏ lửa phục vụ mọi người. Tại bếp ăn còn có những câu chuyện tử tế, chuyện những người sau khi nhận biết cho đi và phụ giúp bếp ăn vào giờ cao điểm. Hay những người đã từng nhận cơm, sau khi ra viện quay lại đóng góp hoặc kêu gọi ủng hộ để bếp ăn đầy đủ và chất lượng hơn.
Trong những ngày điều trị bệnh tại bệnh viện, những suất ăn miễn phí giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho bệnh nhân.
Chị Lê Kim Út, ngụ xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi, một trong những người thường xuyên lui tới bếp ăn để hỗ trợ những khi rảnh rỗi, chia sẻ: “Ông xã tôi bị tai biến, vào viện điều trị đã hơn 1 tháng nay. Mỗi ngày, sau khi chăm sóc chồng, thời gian rảnh tôi xuống bếp phụ việc. Ban đầu khi chưa biết đến bếp ăn, ngày 3 cữ phải tốn tiền mua đồ ăn bên ngoài, thời gian dài tốn kém, thêm nữa đi lại cũng khó khăn. Tôi biết ơn bếp ăn rất nhiều, thời gian ở đây, tôi có thêm những người bạn mới, làm thêm được những việc có ích cho đời”.
Ông Phạm Văn Hung, xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn, tâm tình: “Mỗi ngày 3 lần tôi đều đến nhận cơm về ăn, tính luôn cả tôi nữa là gia đình đi trị bệnh 5 người. Ban đầu khi nhận nhiều phần, tôi cũng ngại nhưng mọi người trong bếp ăn rất vui vẻ, nhiệt tình nên tôi cũng mạnh dạn xin thêm. Có bếp ăn giúp gia đình tiết kiệm chi phí điều trị rất nhiều”.
“Tôi nhận cơm từ những ngày đầu vào viện. Ở đây nấu đồ ăn rất vừa miệng, lại sạch sẽ, khu bếp cũng gần nơi điều trị nên đi nhận cũng tiện. Thay mặt bà con nghèo, tôi cảm ơn bếp ăn rất nhiều”, bà Trần Thị Bồng, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ.
Không ngại thức khuya, dậy sớm, bằng những nghĩa cử tử tế, giúp người không cần báo đáp, cứ thế, người góp công, góp sức, dưới sự ủng hộ của các nhà hảo tâm và sự hỗ trợ của bệnh viện, bếp ăn trở thành điểm tựa tinh thần cho người bệnh, là điểm đến của những tấm lòng nhân ái.
Người nhà bệnh nhân cũng tự nguyện đến bếp ăn phụ giúp sơ chế nguyên liệu.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Tổ trưởng Tổ Công tác xã hội, Bệnh viện Y học cổ truyền, chia sẻ: “Từ trước đến nay, thi thoảng vẫn có hoạt động phát cơm từ thiện do các hội, nhóm bên ngoài tổ chức, tuy nhiên không liên tục và số lượng giới hạn. Giờ đây, khi có bếp ăn trong khuôn viên sẽ giúp kiểm soát được khẩu phần ăn cho người bệnh, đảm bảo nơi nhận và thời gian nhận cố định, thức ăn sạch và an toàn thực phẩm, do đó người bệnh nhận cũng an tâm hơn. Những bữa ăn ấm áp này sẽ làm vơi đi phần nhọc nhằn của cả người nuôi lẫn người bệnh trong thời gian điều trị tại đây”./.
Yến Nhi