BRICS được dự đoán sẽ dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu, Mỹ trừng phạt 3 công ty Trung Quốc và Nga liên quan việc sản xuất UAV dùng tại Ukraine, châu Âu tăng nhập khẩu khí đốt, Indonesia đẩy mạnh du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS được dự đoán sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai. (Nguồn: brics-russia2024.ru) |
Kinh tế thế giới
IMF: Nới lỏng chính sách tiền tệ có thể gây ra tình trạng bong bóng tài sản
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 22/10 nhận định, rủi ro tài chính toàn cầu trong ngắn hạn đang được kiểm soát, nhưng việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể gây ra tình trạng bong bóng tài sản, và các thị trường có thể đang đánh giá thấp rủi ro do xung đột địa chính trị và các cuộc bầu cử sắp tới.
Trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu được công bố nửa năm một lần, IMF cảnh báo rằng, thị trường tài chính toàn cầu có thể đang đánh giá thấp nguy cơ từ bất ổn địa chính trị, khi tình hình xung đột leo thang, nhưng thị trường vẫn duy trì trạng thái ổn định đáng ngờ với biến động thấp.
IMF lo ngại sự thờ ơ này sẽ dẫn đến cú sốc lớn, tương tự khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất hồi tháng 8. Khi đó, quyết định của BoJ đã khiến thị trường “sốc” do không lường trước được rủi ro, dẫn đến bán tháo ồ ạt và giảm mạnh giá tài sản. IMF cảnh báo kịch bản này có thể tái diễn nếu thị trường tiếp tục phớt lờ các nguy cơ tiềm ẩn.
Bên cạnh đó, theo IMF, các thị trường tín dụng và thị trường chứng khoán đang khởi sắc, dù tăng trưởng lợi nhuận đang chậm lại và các phân khúc dễ bị tổn thương hơn trong lĩnh vực bất động sản doanh nghiệp và thương mại vẫn đang tiếp tục suy yếu.
Ông Tobias Adrian, Giám đốc bộ phận Thị trường Tiền tệ và Vốn của IMF, cho biết biến động của thị trường tài chính đang không tương xứng với mức độ đánh giá về bất ổn chính trị và kinh tế. Ông cho biết điều này đang khiến IMF lo ngại vì nó làm tăng khả năng xảy ra một sự điều chỉnh mạnh mẽ các điều kiện tài chính.
Kinh tế Mỹ
* Ngày 18/10, Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt vào các công ty có liên quan đến việc sản xuất máy bay không người lái (UAV) được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ nhắm vào ba công ty – hai công ty ở Trung Quốc (Xiamen Limbach Aircraft Engine Co và Redlepus Vector Industry Shenzhen Co.) và một công ty ở Nga (Limited Liability Company Trading House Vector).
* Phát biểu tại một sự kiện do Liên minh ngành chế tạo Mỹ tổ chức ngày 17/10 tại Washington, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về kinh tế quốc tế Daleep Singh cho rằng, Trung Quốc đang sản xuất nhiều hàng hóa hơn mức cần thiết.
Ông Singh nhấn mạnh các dữ liệu cho thấy Trung Quốc có tình trạng dư thừa công suất đáng kể đối với các sản phẩm xe điện, pin hoặc thiết bị bán dẫn, đồng thời đề cập việc các nhà sản xuất Trung Quốc đang liên tục báo lỗ.
Căng thẳng Mỹ-Trung đã kéo dài nhiều năm do một loạt mâu thuẫn trong các vấn đề từ thuế quan thương mại đến bản quyền công nghệ. Mỹ cũng từng cho rằng cần có các hành động xa hơn, ngoài thuế quan để bảo vệ các ngành công nghiệp và người lao động Mỹ.
Kinh tế Trung Quốc
* Dữ liệu mới nhất cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2024, Trung Quốc đã xây dựng tổng cộng 4,042 triệu trạm gốc 5G. Các ứng dụng công nghệ 5G đã được tích hợp vào 76 hạng mục kinh tế quốc gia, từ năng lượng thông minh, chăm sóc y tế thông minh, đến bảo tồn nước thông minh, nông nghiệp thông minh…
Để thúc đẩy phát triển 5G, Bắc Kinh đã ban hành hơn 1.000 văn bản chính sách liên quan tùy theo điều kiện địa phương, tạo thành xu hướng hợp tác tốt đẹp giữa các bộ, liên kết trung ương và địa phương, phối hợp ngành.
* Theo số liệu của các cảng và qua theo dõi hoạt động của những hãng tàu, Trung Quốc có thể nhập đến 120 triệu tấn quặng sắt trong tháng này. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhập gần 3/4 lượng quặng sắt vận chuyển bằng đường biển của toàn cầu.
Số liệu do các nhà phân tích hàng hóa của Kpler tổng hợp cho thấy lượng nhập khẩu trong tháng 10/2024 đang trên đà đạt 120,5 triệu tấn, trong khi các nhà phân tích của Sở giao dịch chứng khoán London dự kiến con số này là 117,3 triệu tấn.
Các con số theo dự báo sẽ là mức tăng mạnh so với con số chính thức từ hải quan là 104,1 triệu tấn trong tháng 9/2024, đồng thời cũng là mức cao chưa từng có, vượt kỷ lục 112,7 triệu tấn trước đó vào tháng 7/2020.
Kinh tế châu Âu
* Các số liệu thống kê gần đây cho thấy, nhập khẩu khí đốt từ Nga vào châu Âu đang có xu hướng gia tăng, làm dấy lên câu hỏi liệu châu Âu có thể hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng này vào năm 2027 như đã cam kết?
Theo Viện Nghiên cứu kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), lượng nhập khẩu LNG từ Nga vào EU đã tăng 18% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga qua đường ống cũng tăng trong 6 tháng đầu năm 2024.
Điều này cho thấy châu Âu không chỉ chưa tiến gần đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí đốt Nga vào năm 2027 mà còn đang đi ngược lại xu hướng này.
* Theo dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), cơ quan đại diện cho các nhà điều hành kho lưu trữ khí đốt ở châu Âu, tổng dung lượng lưu trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đạt 95% công suất, sau khi khối này hoàn thành mục tiêu đạt 90% công suất vào tháng 8, sớm hơn thời hạn đặt ra là ngày 1/11.
Mặc dù mức lưu trữ năm nay thấp hơn một chút so với năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình trong giai đoạn 2017-2021 và mức lưu trữ năm 2022.
Các nền kinh tế lớn như Đức và Italy có kho dự trữ đạt trên 97%, trong khi Áo, vẫn phụ thuộc vào dòng khí từ đường ống của Nga, có dự trữ đạt 93,73% công suất vào cuối tuần vừa qua.
Tuy nhiên, lượng khí đốt trong kho dự trữ sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu của châu Âu trong mùa Đông, và khối lượng khí trong kho hiện thấp hơn năm ngoái, chủ yếu do số lượng tàu LNG giảm.
* Anh đã báo cáo thâm hụt ngân sách lớn hơn dự kiến trong nửa đầu tài khóa. Điều này gây sức ép lên Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves trong việc tăng thuế và vay mượn thêm để bù đắp mức chi tiêu cao hơn trong bản ngân sách tuần tới.
Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), chính phủ đã vay 79,6 tỷ Bảng Anh trong khoảng thời gian từ tháng 4-9/2024, vượt 6,7 tỷ Bảng so với dự báo chính thức.
Mức thâm hụt trong tháng 9 đứng ở mức 16,6 tỷ Bảng, thấp hơn dự đoán của các nhà kinh tế là 17,5 tỷ Bảng, nhưng vẫn là khoản vay cao thứ ba trong lịch sử cho tháng này. Tổng nợ của chính phủ Anh đứng ở mức 98,5% GDP, mức cao nhất kể từ đầu những năm 1960.
* Phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp BRICS ở Moscow hôm 18/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS được dự đoán sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai, vượt qua các nước phương Tây phát triển nhờ quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh.
Ông Putin kỳ vọng BRICS sẽ trở thành một đối trọng mạnh mẽ với phương Tây trong địa chính trị và thương mại toàn cầu, nhấn mạnh khối ngày càng khẳng định chủ quyền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố hay biện pháp can thiệp của bên ngoài.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định vai trò của BRICS là động lực chính của tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong những năm tới.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 23/10, công ty Tokyo Metro của Nhật Bản đã có màn ra mắt ấn tượng trên thị trường chứng khoán Tokyo. Cổ phiếu của công ty tăng 47,3% tính từ mức giá chào bán ban đầu là 1.200 Yen (7,9 USD)/cổ phiếu, chỉ vài giờ sau khi mở bán.
Sự gia tăng bất ngờ này đưa mức vốn hóa thị trường của công ty vượt 1.000 tỷ Yen, trở thành đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất của Nhật Bản trong 6 năm qua (348,6 tỷ Yen) và cao thứ hai trong lịch sử Nhật Bản.
* Theo Khảo sát chi tiêu và thu nhập hộ gia đình của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, nợ phải trả của các hộ gia đình có hai người trở lên trung bình là 6,55 triệu Yen (43.500 USD) vào năm 2023, vượt mức thu nhập trung bình hằng năm là 6,42 triệu Yen lần đầu tiên trong khảo sát được thu thập từ năm 2002. Nợ cũng chưa bao giờ vượt thu nhập hằng năm trong một cuộc khảo sát tương tự từ những năm 1950.
Dữ liệu năm 2024 dường như cũng theo xu hướng tương tự. Tỷ lệ nợ so với tiết kiệm cũng đang ở mức cao nhất mọi thời đại.
Nhà kinh tế trưởng Takuya Hoshino tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết tình hình giá nhà tăng cao đang gây khó khăn cho người dân khi muốn mua nhà. Vì giá nhà tăng quá nhanh so với mức tăng của lương nên người mua phải vay nhiều tiền hơn, dẫn đến gánh nặng nợ nần tăng lên.
* Số liệu của Bộ Tài chính Hàn Quốc trình lên Quốc hội nước này hôm 20/10 cho thấy, tốc độ tăng trưởng tiềm năng dự kiến sẽ duy trì ở mức 2% trong 2 năm liên tiếp, giảm 0,4 điểm phần trăm so với 3 năm trước.
Theo dữ liệu trên đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc sẽ vẫn ở mức 2% trong năm 2024. Con số này là 2,4% trong cả năm 2020 và 2021, giảm xuống 2,3% vào năm 2022, sau đó giảm xuống 2% vào năm ngoái và tiếp tục duy trì ở mức này trong năm nay.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Nhà phân tích cấp cao về chính sách điện lực khu vực Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng toàn cầu Ember, Dinita Setyawati, ngày 23/10 cho biết, trong năm 2023, nhiên liệu hóa thạch chiếm 74% sản lượng điện của ASEAN, trong đó than đá là 44%, trong khi tỷ lệ năng lượng tái tạo giảm từ 28% năm 2022 xuống 26%.
Ember dự báo nhu cầu điện tại ASEAN sẽ tăng 41% vào năm 2030.
* Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã khai trương văn phòng khu vực Đông Nam Á của cơ quan này ở Singapore. Hãng thông tấn Kyodo ngày 21/10 dẫn lời Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol, khẳng định cơ quan này muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa với tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đầy năng động và phát triển nhanh chóng.
Ông cũng lưu ý quá trình chuyển đổi năng lượng của khu vực này đang ngày càng định hình và chi phối xu hướng chung trên toàn cầu. Việc thành lập trung tâm diễn ra khi IEA nhận thấy nhu cầu năng lượng ở khu vực Đông Nam Á có thể sẽ tăng hơn 60% vào năm 2050 và nhiều nước trong khu vực sẽ vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
* Ngày 18/10, Sở Đường bộ nông thôn thuộc Bộ Giao thông vận tải Thái Lan cho biết đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên của dự án đường ven biển dài 950km (Dự án Riviera) đi qua 12 tỉnh từ phía Đông xuống miền Nam nước này.
Dự án Riviera có tổng chiều dài 950 km bao gồm 4 giai đoạn nối bờ biển Vịnh Thái Lan từ phía Đông Nam Bangkok tại tỉnh Samut Prakan tới tỉnh Narathiwat, nằm ở phía Nam nước này. Tại tỉnh Chumphon cũng sẽ có một tuyến đường liên kết để nối bờ biển Vịnh Thái Lan với Biển Andaman tại tỉnh Ranong.
* Tân Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, bà Widiyanti Putri Wardhana, khẳng định sẽ đẩy mạnh du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, hàng đầu của quốc gia.
Bà Widiyanti cho biết, ngành du lịch Indonesia trong tương lai sẽ hướng tới chiến lược phát triển Du lịch 5.0, tập trung vào các trụ cột chính như cơ sở hạ tầng, đầu tư, nguồn nhân lực,…
Bộ trên sẽ hợp tác với các chuyên gia, doanh nghiệp và tận dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo để số hóa ngành du lịch.
Nguồn: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-18-2410-brics-se-vuot-phuong-tay-my-trung-phat-3-cong-ty-trung-quoc-va-nga-chau-au-van-nghien-khi-dot-moscow-291168.html