Theo bình luận của truyền thông quốc tế, rất nhiều tham vọng sẽ được đưa ra bàn bạc tại Hội nghị thượng đỉnh Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), như trật tự thế giới mới, kết nạp thêm thành viên, “chiến dịch” phi USD hóa, đồng tiền chung…
BRICS họp thượng đỉnh, Nga gặp bạn, hàng xóm cũ ý, hợp tâm đầu cùng tính kế lâu dài. Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin gặp người đồng cấp Iran Masoud Pezeshkian, tháng 10/2024 . (Nguồn: TASS) |
Nhưng một nội dung khác cũng có thể khiến các nhà lãnh đạo phương Tây “đứng ngồi không yên”, trong đó có việc Iran – quốc gia đang leo thang căng thẳng với Israel và đồng minh của nước này là Mỹ – có thể sẽ ký Thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện với Moscow vào đúng “ngày hội” của nhóm BRICS tại thành phố Kazan, miền Trung nước Nga, từ ngày 22-24/10 tới.
Được biết, tất cả các điều kiện để ký kết Thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Iran đã hoàn tất. Tổng thống Putin đã phê duyệt dự thảo hiệp ước vào ngày 18/9 và ngày 4/10, Đại sứ Iran tại Moscow Kazem Jalali xác nhận văn bản này đã sẵn sàng để ký kết.
Việc Nga-Iran ký Thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện được giới phân tích quốc tế đánh giá sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế-thương mại song phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng chung và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời giúp giảm bớt áp lực các lệnh trừng phạt đối với cả hai nước.
“Nếu so sánh với các đối tác khác, lập trường của chúng ta (Nga-Iran) tương đồng hơn nhiều. Vị thế của 2 nước trong cộng đồng quốc tế cũng giống nhau. Tôi hy vọng chúng ta sẽ hoàn tất thỏa thuận quan trọng này trong dịp Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nga”, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã thẳng thắn chia sẻ với người đồng cấp Nga Putin tại một diễn đàn quốc tế ở thủ đô Ashgabat của Turkmenistan vào cuối tuần qua.
Ông Pezeshkian nhấn mạnh, Tehran rất coi trọng mối quan hệ với Nga, gọi quốc gia này là “bạn và hàng xóm” của Iran, hai nước nên tiếp tục tăng cường quan hệ và hỗ trợ lẫn nhau. Nhà Lãnh đạo Iran cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa hai quốc gia trong BRICS, SCO và EAEU.
Đồng quan điểm, Nhà Lãnh đạo Nga Putin cho biết, Moscow và Tehran đã hợp tác với nhau trên trường quốc tế và đánh giá của hai nước về những vấn đề xảy ra trên thế giới thường rất giống nhau.
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Iran, kể từ khi ông Pezeshkian nhậm chức. Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp tục hội đàm trong những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới.
Những phát ngôn của Tổng thống Putin và ông Pezeshkian sau đó đều xác nhận rằng, “mối quan hệ giữa Moscow và Tehran chưa khi nào tốt đẹp như hiện tại”.
Trước đó, trong cuộc điện đàm vào ngày 8/7, chỉ ba ngày sau khi được bầu làm Tổng thống Iran, ông Pezeshki đã ngỏ ý với Tổng thống Putin rằng, ông đã sẵn sàng ký một Thỏa thuận đối tác chiến lược với Nga tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 10.
Cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo Nga-Iran được dư luận trong lẫn ngoài khu vực quan tâm, vì Nga và Iran đều đang trong tình thế rất đặc biệt, có không ít nét giống nhau. Hai bên cùng có nhu cầu và cả tiềm năng để có thể hậu thuẫn lẫn nhau rất đắc lực. Chắc chắn, phương Tây lo ngại về điều này, về quan hệ “thân thiết” hơn giữa Moscow và Tehran.
Trước đây, Nga-Iran vốn là đồng minh trong “cuộc chơi” chính trị an ninh, quân sự và địa chiến lược ở Syria. Nay, các nước phương Tây đang đối địch với Nga vì chiến dịch quân sự mà Moscow đang tiến hành tại Ukraine, trong khi căng thẳng với Iran về tình hình ở Trung Đông.
Cả hai nước đều đang bị phương Tây cấm vận và trừng phạt về kinh tế, thương mại và tài chính. Iran đã ở trong tình cảnh này lâu hơn, Tehran có thể tư vấn hữu ích giúp Nga đối phó hiệu quả hơn. Cả trên phương diện này, họ cũng có thể có cách hậu thuẫn lẫn nhau và phối hợp hành động.
Nga hiện đang đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của nhóm BRICS trong năm 2024. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cam kết “tạo điều kiện cho sự hội nhập hài hòa” của các đối tác mới, trong đó lưu ý rằng, khoảng 30 quốc gia khác đã bày tỏ ý định tham gia vào các hoạt động của khối dưới các hình thức và khuôn khổ khác nhau.
Theo số liệu của IMF, BRICS++ hiện đã vượt qua Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7), xét về GDP tính theo sức mua tương đương, chiếm 36% tổng GDP thế giới.
Nguồn: https://baoquocte.vn/brics-hop-thuong-dinh-nga-gap-lai-ban-cu-y-hop-tam-dau-cung-tinh-chuyen-duong-dai-290216.html