Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho hay, gần 20 quốc gia đang tìm cách trở thành thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và số lượng tiếp tục gia tăng.
Ngày càng có nhiều nước muốn gia nhập BRICS. (Nguồn: Reuters) |
Bình luận về vấn đề trên, GS. Fulufhelo Netswera, Trưởng khoa Khoa học quản lý tại Đại học Công nghệ Durban ở Nam Phi cho rằng, việc các quốc không phải là thành viên của BRICS thúc đẩy gia nhập nhóm này có thể một phần do lập trường ủng hộ chủ nghĩa đa phương của nhóm.
Theo ông Netsweram, nhóm BRICS – bao gồm 5 quốc gia mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – đang trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với nhiều quốc gia vì lập trường ủng hộ chủ nghĩa đa phương liên quan đến các vấn đề địa chính trị và kinh tế.
Vị Giáo sư này nói: “Hiện có 20 ứng viên tiềm năng cho tư cách thành viên BRICS, nhưng ai cũng hiểu rằng nếu cánh cửa gia nhập khối mở rộng, nhiều quốc gia khác sẽ nhanh chóng đăng ký”.
Nhóm BRICS chiếm khoảng 30% quy mô kinh tế toàn cầu, 26% diện tích lãnh thổ và 43% dân số thế giới, sản xuất hơn 1/3 sản lượng ngũ cốc toàn cầu.
BRICS cũng đã thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) với tổng nguồn vốn 100 tỷ USD để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở các quốc gia thành viên, cũng như các nền kinh tế thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển khác.
Năm 2021, Hội đồng thống đốc NDB đã thông qua quyết định kết nạp Bangladesh, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Uruguay vào định chế tài chính này. Đây là sự khởi đầu của tiến trình mở rộng NDB với tư cách là một tổ chức đa phương toàn cầu.