BRICS, sau quyết định mở rộng mang tính lịch sử hồi năm ngoái, đã trở thành một tổ chức có ảnh hưởng trên thị trường năng lượng toàn cầu, ông Marco Fernandes, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu công Tricontinental, cho biết.
“Năng lượng có lẽ là tài sản chủ chốt cho công nghiệp hóa. Nếu không có năng lượng, bạn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Các nước BRICS, với sức mạnh kết hợp, đã trở thành siêu cường về năng lượng”, ông Fernandes cho biết tại một hội nghị về triển vọng phát triển của nền kinh tế Trung Quốc được tổ chức tại Viện nghiên cứu Tài chính Chongyang thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc hôm 1/4.
Vị chuyên gia lưu ý rằng các nước BRICS chiếm 45% trữ lượng dầu mỏ và 56% trữ lượng khí đốt của thế giới. Theo ông, chỉ riêng Nga đã chiếm một nửa sản lượng uranium được làm giàu của thế giới, trong khi Nga và Trung Quốc chiếm khoảng 70%.
Trung Quốc là nước sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, tiếp theo là Mỹ ở vị trí thứ 2, Brazil ở vị trí thứ 3 và Ấn Độ ở vị trí thứ 4. “Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại sản xuất nhiều năng lượng tái tạo hơn tất cả các nước G7”, ông Fernandes cho biết.
BRICS ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Tại Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 8 năm ngoái, khối do Bắc Kinh và Moscow dẫn dắt đã mời 6 quốc gia gia nhập.
Kể từ ngày 1/1 năm nay, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ethiopia và Ai Cập đã trở thành thành viên BRICS. Chỉ có Argentina từ chối nhận lời mời, còn Ả Rập Xê-út vẫn chưa “chốt” có gia nhập hay không.
BRICS sau khi mở rộng bao gồm một số nhà sản xuất năng lượng lớn nhất hành tinh và một số nước tiêu dùng lớn nhất trong số các nước đang phát triển. Do đó, ảnh hưởng của khối này đối với đầu tư và thương mại năng lượng là không phải bàn cãi.
Minh Đức (Theo TASS, CSIS)