Nhưng kì lạ là, dù bóng ma tử thần luôn hiển hiện, chực chờ, dòng người vẫn không ngừng đổ về tuyến đường này mỗi ngày.
“Mồ chôn chết chóc”
Theo thống kê từ cơ quan di cư Liên Hợp Quốc, biên giới Mỹ – Mexico được xếp hạng đầu bảng trong số những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới. Thậm chí tuyến biên giới dài 3.200 km giữa Mỹ và Mexico này còn được mệnh danh là “mồ chôn chết chóc”. Trung bình mỗi năm có hàng trăm người bỏ mạng tại đây trên hành trình đi tìm cuộc sống mới.
Năm 2018, 283 trường hợp người di cư thiệt mạng được ghi nhận ở khu vực này còn năm ngoái, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã ghi nhận tới 686 trường hợp người di cư tử vong và mất tích khi di cư qua tuyến đường này, tuy nhiên, con số này được khẳng định là thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Reuters dẫn báo cáo của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết, chỉ riêng năm 2022 có tổng cộng 686 trường hợp người di cư tử vong hoặc mất tích ở khu vực biên giới Mỹ – Mexico.
Paul Dillon – phát ngôn viên của IOM nói rằng con số thực tế thậm chí có thể cao hơn nhiều, bởi có những nạn nhân không bao giờ tìm thấy. Trong đó, sông Rio Grande ở gần bang Texas là nơi có nhiều người di cư qua lại nhất. Nếu như trong mùa hè, những người di cư phải đối mặt với nguy cơ tử vong vì say nắng thì vào mùa đông, họ lại đứng trước nguy cơ bị chết cóng trên hành trình đi tìm “miền đất hứa”. “Tính chất xa xôi và nguy hiểm của khu vực này cũng như sự hiện diện của các băng nhóm tội phạm dọc tuyến đường có nghĩa là con số này có thể không phản ánh số người thiệt mạng thực tế” – IOM cho biết.
Điều đáng nói, mặc dù luôn được cảnh báo là tuyến đường vô cùng nguy hiểm nhưng con số người di cư chọn tuyến đường này không ngừng tăng lên. Con số thống kê không đầy đủ cho thấy mỗi năm có hàng trăm ngàn người chạy trốn bạo lực băng đảng tràn lan, nghèo đói, đàn áp chính trị và các cuộc khủng hoảng khác ở quê nhà đã lựa chọn biên giới Mỹ – Mexico làm nơi tiếp cận “miền đất hứa”.
Thậm chí, trong năm tài khóa 2022 kết thúc vào tháng 9 vừa qua, Mỹ cho biết đã chặn hơn 2 triệu lượt người di cư bất hợp pháp qua biên giới với Mexico. Còn Tổng thống Mexico Manuel Lopez Obrador ngày 2/10 cho biết khoảng 10.000 người di cư và tị nạn tới biên giới giữa Mỹ và Mexico mỗi ngày vào thời điểm cuối tháng 9/2023.
Mong manh sự sống khi vượt sông
Con số tử vong và mất tích cao kỷ lục là bằng chứng cho thấy sự nan giải, hiểm nguy của tuyến đường vượt biển này. Nói về sự hiểm nguy của tuyến đường này không thể không nói tới “yếu tố sông Rio Grande”.
Đây là con sông chảy từ phía Tây Nam bang Colorado của Mỹ đến Vịnh Mexico, một phần của dòng sông tạo thành biên giới Mexico-Mỹ. Rio Grande được xem là con sông tử thần, ngay cả với những người dân địa phương thông thổ địa hình, bơi giỏi bởi dòng chảy của sông đặc biệt nhanh, mạnh, có thể thay đổi bất thình lình, nhất là sau những ngày mưa lớn dù nhìn từ bên ngoài Rio Grande trông khá bình lặng. Lòng sông độ nông sâu thất thường, nhiều đoạn sâu gần 2,5 m có thể khiến người ta hụt chân bất cứ lúc nào.
“Con sông này cực kỳ nguy hiểm. Tôi lớn lên dọc bờ Rio Grande, thậm chí không dám xuống nước bơi hay tắm. Sông chảy xiết, rất nhiều xoáy có thể kéo ta xuống bất kỳ lúc nào” – một người dân nơi đây chia sẻ. Còn ông Paul Dillon – phát ngôn viên IOM thì cho biết: “Sông Rio Grande ở gần bang Texas là nơi có nhiều người di cư qua lại nhất. Những người di cư rất dễ gặp tình trạng say nắng vào mùa hè và chết cóng vào mùa đông”. Nguy hiểm hơn, biên phòng Mỹ còn cho biết họ đôi khi còn phát hiện cá sấu mon men ở những bờ sông. “Người vượt biên phải để ý dòng chảy, dò bước giữa dòng sông, và giờ thì họ còn phải trông chừng cả cá sấu. Một con cá sấu sẽ không quan tâm phân biệt giữa một đứa trẻ và một con gà có điểm gì khác nhau” – một chỉ huy đội tuần tra biên giới khu vực này cho biết.
Thế nên, để vượt qua được con sông hung dữ này, là thử thách kinh hoàng đầu tiên mà người di cư phải vượt qua. Theo AFP, để có thể vượt sông, những người di cư phải chọn thời điểm trời sáng, thường là lúc bình minh để dễ bề xoay xở.
Sau đó, họ không thể đi riêng lẻ mà phải tụ thành những nhóm lớn, người nọ nối tiếp người kia kết thành hàng dài, nối dây thắt lưng lại với nhau để tạo thành một sợi dây, cùng bám vào đó, làm như vậy để tạo thế đối chọi với dòng dòng nước xiết rồi mới có thể bơi qua sông. Chỉ cần mất thăng bằng hay sợi dây thắt lưng bất ngờ đứt, thảm kịch hoàn toàn có thể xảy đến, trong chớp mắt, dòng nước xiết hoàn toàn có thể cuốn trôi những mạng người và thực tế, rất nhiều bi kịch đã xảy đến.
Hồi năm 2022, trước thực tế ngày càng nhiều số người chết đuối do vượt biên ở khu vực này, ông Manuel Mello III – Giám đốc Sở Cứu hỏa thị trấn Eagle Pass – đã thốt lên trên đài truyền hình Fox News: “Có nhiều thi thể đến nỗi mà các nhà xác đang yêu cầu hỗ trợ. Tôi chưa bao giờ chứng kiến nhiều vụ chết đuối như hiện nay. Chúng tôi vớt xác mỗi ngày. Những hình ảnh đau thương đó đều ám ảnh đối với các nhân viên cứu hộ”.
Hồi năm 2019, dư luận thế giới đã từng chấn động trước bức ảnh đầy ám ảnh được nhà báo Julia Le Duc của tờ La Jornada (Mexico) ghi lại về hai cha con chết đuối khi qua dòng sông nước chảy xiết, cánh tay quàng lên cổ bố của cô con gái 2 tuổi cho thấy bé đã cố bám lấy bố trong những phút giây cuối cùng.
Gian nan đối mặt với bức tường biên giới bằng thép gai
Nhưng hành trình đến với “miền đất hứa” chưa dừng lại ở đó. Để có thể đặt chân lên đất Mỹ, sau khi hoàn thành “điệp vụ vượt sông Rio Grande”, họ còn phải vượt qua được hàng rào dây thép gai không hề ngắn.
Thực ra nhìn lại lịch sử, ngoài một đường biên giới vô hình được hình thành trên địa hình gồ ghề và uốn lượn dọc theo sông Rio Grande, giữa Mỹ và Mexico không hình thành một sự ngăn cách nào cho đến năm 1911, một hàng rào dài khoảng 30km được dựng lên nhưng chỉ với mục đích là ngăn chặn… gia súc Mexico chạy lạc sang Mỹ và ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.
Phải đến những năm sau Thế chiến thứ hai, khi dòng người Mexico nhập cư vào Mỹ, cả bằng hai con đường hợp pháp và bất hợp pháp gia tăng, nước Mỹ lúc đó mới thực sự quan tâm tới việc phải dựng lên hàng rào biên giới.
Năm 1979, Tổng thống Jimmy Carter chính thức cho dựng hàng rào dây thép gai tại vùng biên giới này. 15 năm sau, Tổng thống Bill Clinton “mở rộng” với hơn 300km đường biên giới được bảo vệ bằng hàng rào kim loại. Năm 2006, Tổng thống George W. Bush bổ sung và gia cố hơn 1.000km đường biên. Năm 2018 hàng rào dây thép gai tiếp tục được gia cố, mở rộng.
Những năm sau đó, không chỉ được mở rộng, ngoài dây thép gai, tuyến biên giới còn được bao bọc bởi cả hệ thống máy móc an ninh vô cùng hiện đại. Ngày 24/6, Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới bang Arizona đã đánh dấu hoàn thành dự án xây dựng hàng trăm km bức tường biên giới với Mexico. Bức tường biên giới này được trang bị công nghệ tối tân như hệ thống cảm biến, máy camera an ninh và nhiều thứ khác.
Theo chính quyền Donald Trump, bức tường được dựng lên nhằm chặn đứng các vụ buôn người, ma túy từ Mexico và giúp ngăn chặn nguy cơ lây lan của đại dịch Covid-19 ở biên giới phía Nam, tuy nhiên mục tiêu chính yếu, không gì khác vẫn là nỗ lực dòng người di cư đổ vào nước Mỹ. Hàng rào và tường ngăn hiện bao phủ khoảng một phần ba đường biên giới dài hơn 3.100km giữa Mỹ và Mexico, khiến việc vượt biên bất hợp pháp trở nên đắt đỏ và nguy hiểm hơn đối với người di cư.
Hà Anh