Cùng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng cắt nghĩa hiện tượng này dưới góc nhìn cá nhân của ông, phần nào gợi mở ra một số điều cần suy ngẫm.
Cuối thế kỷ 19, Thần Tài vẫn chưa xuất hiện
Thần Tài là vị thần chuyên trách về tiền bạc, của cải và sự giàu có…
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng nói “tới cuối thế kỷ 19, Thần Đất (Thổ Thần) vẫn còn đảm nhận chức năng của Thần Tài do quan điểm thổ sinh kim”.
Ông Trảng dẫn Đại Nam quấc âm tự vị (Sài Gòn, 1895) của Huỳnh Tịnh Của – cuốn từ điển tiếng Việt được xem là đầu tiên của Việt Nam – để cắt nghĩa Thổ Thần và Tài Thần đều là “Thần Đất, thần giữ tiền bạc”.
“Nếu có một tín niệm xưa nào đó liên quan tới Thần Tài, chính là việc người Việt kiêng đổ rác ba ngày đầu năm mới trong ngày Tết cổ truyền, tránh hao tiền, hao lộc…”, nhà nghiên cứu này nói.
Ông Trảng nói: “Tới những năm 1920, 1930, khi thương nghiệp phát triển, mới xuất hiện ông Thần Tài mà bây giờ người Việt mình đang thờ, phổ biến nhất vẫn là ở miền Nam”.
Ở góc độ tạo hình, ông Thần Tài của người Việt lúc này là phiên bản của “Thổ Địa/Phước Đức chính thần” – ông thần mang lại tài lộc – của người Hoa.
Tới những năm 1950, 1960, tượng Thần Tài thường đi liền với hình ảnh một tay xách túi đựng tiền hoặc xách xâu tiền, tay còn lại ôm bó lúa (ảnh hưởng của văn minh lúa nước).
Sang vài ba thập niên trở lại đây, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, tượng thần thường đi liền với các thoi vàng xuồng.
Tuy nhiên có một điều đặc biệt, dù đã có ông Thần Tài thì việc thờ Ông Địa và Thần Tài chung một chỗ vẫn được người Việt bảo lưu tới ngày nay.
Sao lại mồng mười tháng giêng?
Cũng theo Huỳnh Tịnh Của, thành ngữ “Mồng chín vía Trời, mồng mười vía Đất” bắt nguồn từ việc mồng 9, mồng 10 tháng giêng, người Việt ta có tục hay cúng Trời, cúng Đất, hiểu là ngày Trời Đất sinh.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng bổ sung ngày 10 tháng giêng là ngày Địa sinh, thì ngày 10-5 âm lịch là Địa Lạp – ngày Ông Địa mất do tín niệm vào ngày đó đất không sinh sôi gì (tục này nay không còn – PV).
Ông Địa biểu hiện cho nguyên lý của sự phồn thịnh, tài lộc, giàu có, nên việc cúng chung Ông Địa và Thần Tài một chỗ càng biểu hiện cho quan hệ lý – sự của hiện tượng này.
“Sau này, khi thương nghiệp phát triển, lấn át nông nghiệp, người dân cũng chú ý Thần Tài nhiều hơn, dầu vậy vẫn giữ Ông Địa lại như một cái lý. Vì thế, mồng 10 vía đất cũng trở thành ngày mua vàng Thần Tài”, ông Trảng nhận định.
Ông cũng thông tin thêm xưa ở Sài Gòn, có mấy miếu thờ Ông Địa ở quận Gò Vấp, Thủ Thiêm… Cứ đến ngày mồng 10 tháng giêng, người ta làm vía Ông Địa lớn lắm.
Mua vàng cầu tài, cẩn thận mê tín
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, tập tục mua vàng cầu tài chỉ xuất hiện trong khoảng vài chục năm trở lại đây.
“Ở mức độ nào đó, nó giúp người dân có thứ củng cố niềm tin vào cuộc sống để làm ăn, phấn đấu. Song nếu lậm quá, xem mua vàng là tài lộc đến, lại thành ra mê tín dị đoan”, ông nói.
Nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm xưa kia, vào ngày vía đất, tùy từng vùng miền, từng gia đình mà cúng:
“Nếu lễ lớn, thường là lễ tam sên (heo, bò, dê). Bình dân hơn thì miễn sao có ba món: tôm, trứng, miếng thịt. Sau cùng với sự phát triển của thời đại, có thêm nhiều xu hướng khác. Thanh đạm có chè xôi, người Hoa thường cúng bánh bao, cà phê sữa và heo quay…”.
Người Hoa có đi mua vàng vào ngày vía Thần Tài không?
Ông Trảng nói “người Hoa không xuất tiền mua vàng đầu năm như phần lớn người Kinh. Họ để dành tiền để làm ăn, cuối năm lời lỗ sao rồi mới mua vàng”.