Đờm là chất nhầy lót trong mũi và khí quản, có tác dụng bôi trơn và giữ lại các vi khuẩn, bụi bẩn, chất kích ứng khi hít không khí vào phổi. Trong hầu hết trường hợp, nếu ho ra đờm có màu trong hoặc trắng thì không có gì đáng lo ngại, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Tuy nhiên, nếu đờm có màu vàng, xanh hay nâu thì có thể là do mắc các bệnh sau:
Nhiễm trùng đường hô hấp
Nhiễm trùng đường hô hấp ảnh hưởng đến họng, xoang mũi, khí quản và phổi. Các triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường hô hấp là có đờm màu vàng, xanh lá cây, nâu kèm theo hắt xì, nghẹt mũi, đau họng, nhức đầu, sốt, nhức mỏi cơ thể và thở khò khè.
Những tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp là cảm cúm, viêm phế quản, viêm xoang, viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh là vi khuẩn hay virus mà bác sĩ sẽ kê loại thuốc điều trị phù hợp.
Hen suyễn
Hen suyễn gồm các triệu chứng đặc trưng như thở khò khè, tức ngực, khó thở, ho kèm theo đờm. Bệnh xảy ra khi khí quản co thắt lại, khiến lưu thông không khí bị gián đoạn, dẫn đến khó thở và các triệu chứng khác.
Đờm của hen suyễn thường có màu trắng hoặc trong. Nếu đờm chuyển sang vàng thì cần đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể. Nguyên nhân là do nhiễm trùng và tình trạng này sẽ khiến hen suyễn thêm nặng.
Bệnh phổi
Hiệp hội Phổi Mỹ (ALA) cảnh báo ho thường xuyên kèm theo đờm có nguy cơ là do phổi đang có vấn đề. Điều này đặc biệt đúng nếu đờm có màu vàng, xanh lá cây hoặc nâu.
Một trong những bệnh phổi phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Khi đó phế quản hoặc phế nang của người bệnh bị tổn thương, dẫn đến tích tụ chất nhầy và gây khó thở. COPD là bệnh mạn tính và sẽ nghiêm trọng hơn qua thời gian.
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) đặc trưng với các triệu chứng như ợ nóng, buồn nôn và kích ứng cổ họng. Nguyên nhân bệnh là do a xít trong dạ dày thường xuyên đi ngược lên thực quản và làm tổn thương lớp mô ở vị trí này.
Khi mô ở thực quản bị a xít dạ dày kích ứng liên tục sẽ dẫn đến hen suyễn, viêm phổi và viêm phế quản. Để điều trị, người bệnh bên cạnh dùng thuốc sẽ cần thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh, tránh các tác nhân gây trào ngược như món cay, rượu bia, chất béo, trái cây có tính a xít và món có nhiều caffein, theo Medical News Today.