Bản dập văn bia Hưng Sùng Phật Pháp (Tập san Liễu Quán) (ảnh trái) và bản đồ trong Quảng Thuận Đạo Sử Tập có ghi bến đò Cẩm Lệ. Ảnh tư liệu |
Căn cứ vào nội dung hai văn bia hiện đang có bản dập lưu trữ ở Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội), chúng ta biết được cách đây hơn 300 năm, ở địa bàn của xã Cẩm Lệ đã có một ngôi chùa lớn. Đó là ngôi chùa Linh Sơn, lưu lại một văn bia lập vào niên hiệu Dương Hòa thứ 9, tức năm 1603, và một văn bia “Hưng Sùng Phật Pháp”, lập vào niên hiệu Khánh Đức thứ 6, tức năm 1654. Trong văn bia Hưng Sùng Phật Pháp có ghi rõ “Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Điện Bàn phủ, Hòa Vang huyện, Cẩm Lệ xã”.
Hai văn bia này có ghi tên những người dân hâm mộ đạo Phật đã cúng dường cho chùa nhiều đất ruộng ở hai xã Hóa Khuê và Cẩm Lệ. Nội dung và hình thức chạm khắc, trang trí của hai văn bia cho thấy quy mô và tính chất chuẩn mực của sinh hoạt Phật giáo tại địa phương; rất tiếc ngày nay ngôi chùa cổ Linh Sơn của Cẩm Lệ không còn nữa.
Qua đầu thế kỷ XIX, dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, địa giới và quy mô các đơn vị hành chính có nhiều thay đổi. Tham khảo danh mục và địa giới các xã trong Địa bạ triều Nguyễn, có thể thấy vào thời kỳ này, Cẩm Lệ là một xã thuộc Tổng Thanh Quýt Trung, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn. Địa bàn của xã Cẩm Lệ bấy giở chủ yếu nằm ở phía nam sông Cẩm Lệ ngày nay, địa giới tổng quát như sau: “Đông giáp xã Lỗ Giản và sông. Tây giáp xã Phong Lệ. Nam giáp xã Miêu Bông. Bắc giáp sông”. Cuối thế kỷ XIX, người xã Cẩm Lệ khai khẩn, trồng trọt ở phần đất gò đồi và trảng cát phía bắc sông Cẩm Lệ; phát triển trồng thuốc lá, lập chợ và biến khu vực bờ bắc sông Cẩm Lệ trở thành một khu cư trú và nhiều hàng quán.
Tuy xã Cẩm Lệ lúc ấy diện tích không lớn, nhưng có lẽ do địa thế ven sông và là một bến đò chủ yếu trên đường thiên lý bắc nam, nên Cẩm Lệ đã nhanh chóng phát triển thành một điểm giao lưu, mua bán và danh xưng “Cẩm Lệ” sớm trở thành một thương hiệu nổi bật trong vùng. Các sách địa chí thời nhà Nguyễn đều dùng danh xưng Cẩm Lệ để gọi sông và tên bến đò tại đây, như một điểm định vị quan trọng thời bấy giờ.
Ví dụ, sách Hoàng Việt nhất thống địa dư chí (Lê Quang Định biên soạn dưới thời vua Gia Long) đã miêu tả địa dư khu vực này như sau: “Từ quán nghỉ Thanh Chiêm đi đường trạm ra hướng bắc, 9.667 tầm, đến bờ nam sông Cẩm Lệ, ở đây có nhánh đường vòng qua hướng tây 8.444 tầm đến đồn đạo Cảnh Hóa, nguồn Lỗ Đông… Từ phía đông điếm Cẩm Lệ có nhánh đường đi 3.381 tầm đến chợ Hải Châu… Từ phía bắc điếm Cẩm Lệ, theo đường trạm đi 100 tầm, đến địa phận xã Hóa Khuê…”. Một bản đồ trong sách Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh biên soạn vào cuối thế kỷ XVIII, có ghi “bến đò Cẩm Lệ, tục gọi là Ba Đò”.
Với vị trí là giao lộ, nơi tiếp xúc của đường sông đông-tây và đường bộ bắc-nam, địa danh Cẩm Lệ được nhiều người biết đến; và trở thành thương hiệu chung của sản phẩm thuốc lá, vốn được sản xuất không chỉ ở Cẩm Lệ mà phần nhiều là ở các làng lân cận như Đông Phước, Nghi An, Phong Lệ, Thanh Quýt; và thường được các thương lái tập trung về Cẩm Lệ trước khi phân phối đến các thị trường.
Từ đầu thế kỷ XX, mặc dù danh xưng Cẩm Lệ không còn dùng cho một đơn vị hành chính nào, nhưng lại trở thành một danh xưng tiêu biểu cho trung tâm của huyện Hòa Vang, một huyện liền kề bao bọc quanh thành phố Đà Nẵng. Và tiếp theo sau thương hiệu “Thuốc lá Cẩm Lệ”, sản phẩm “bánh khô mè”, vốn là một đặc sản chung của cả vùng Quảng Nam, được gắn với danh xưng Cẩm Lệ, ngày nay đã trở thành thương hiệu ổn định “Bánh khô Mè Cẩm Lệ”.
Về ý nghĩa của tên gọi, xét theo tự dạng chữ Hán, hầu hết các sách cổ như Ô Châu Cận Lục, Phủ Biên Tạp Lục, Hoàng Việt Nhất Thống Địa Dư Chí, Đại Nam Nhất Thống Chí, Hòa Vang Huyện Chí đều dùng từ dạng 錦茘. Cẩm (錦)có nghĩa là gấm vóc, rạng rỡ; Lệ (茘) là tên một thực vật, gọi là cây Vải. Chúng tôi chỉ bắt gặp một bản đồ trong Quảng Thuận Đạo Sử Tập, dùng tự dạng 錦麗, với Lệ (麗) có nghĩa là đẹp. Khảo sát thực tế ở khu dân cư Phong Bắc (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), chúng tôi thấy có một số cây vải cổ thụ còn lưu lại trong các vườn nhà dân. Có thể đây là dấu tích của một loại thực vật đã từng phổ biến ở cả khu vực này và đi vào địa danh Cẩm Lệ.
Qua các thăng trầm của lịch sử, danh xưng Cẩm Lệ hồi sinh, được dùng để đặt tên một quận của thành phố Đà Nẵng từ năm 2005. Gắn liền với sự hình thành và phát triển vùng đất trong 500 năm qua, hy vọng danh xưng “Cẩm Lệ” sẽ tiếp tục có mặt trong tên gọi các đơn vị hành chính của thời kỳ mới.
VÕ VĂN THẮNG
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/bong-dang-lich-su-qua-danh-xung-cam-le-4003221/
Bình luận (0)