Chờ đợi ở CLB Bình Phước
Lần đầu tiên sau nhiều năm trôi nổi ở sân chơi hạng nhất, CLB Bình Phước phát ra tín hiệu thăng hạng rõ ràng. Đại diện miền Nam đủ lực và sẵn sàng mơ cao đến chân trời V-League. Ở giải hạng nhất, không nhiều đội sở hữu đồng thời hai yếu tố này. Bên cạnh CLB Bình Phước, có lẽ chỉ có thêm CLB Ninh Bình và PVF-CAND thực sự “máu” lên hạng.
Nhờ nguồn đầu tư mạnh mẽ từ doanh nghiệp, CLB Bình Phước đã mang về hàng loạt tân binh như Nguyễn Công Phượng, Lê Thanh Bình, Sầm Ngọc Đức, Huỳnh Tấn Sinh, Hồ Sỹ Giáp.
Cộng với lực lượng kinh nghiệm trước đó với thủ môn Bùi Tấn Trường trấn giữ khung thành, hay HLV Nguyễn Anh Đức đã quen thuộc với bóng đá Nam Bộ và từng cầm quân ở hạng nhất, CLB Bình Phước là đội bóng mang hình hài hạng nhất, nhưng sở hữu nòng cốt tiệm cận V-League.
Trong đó, sự xuất hiện của Công Phượng là mũi tên trúng hai đích. Trước hết, việc chi không dưới 6 tỉ đồng/năm cho một cầu thủ không chỉ giúp đội Bình Phước hâm nóng tên tuổi, mà còn khẳng định cam kết đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cho đại diện miền Nam. Thương hiệu và sức hút của Công Phượng đã giúp đội Bình Phước “cháy vé”, dù cầu thủ sinh năm 1995 còn chưa ra sân.
Nhưng quan trọng hơn cả, Công Phượng sẽ mang tới chuyên môn. 2 năm qua, tiền đạo 29 tuổi chỉ chơi 4 trận cho Yokohama FC. Tuy nhiên, Phượng chỉ thuần túy thất bại ở sân chơi Nhật Bản quá tầm, mà chưa cầu thủ Việt Nam nào (ngoại trừ Công Vinh ở J-League 2 trước đây) đặt dấu ấn. Cảm giác bóng và thể lực của Công Phượng là thách thức lớn do thi đấu quá ít, song cựu sao HAGL vẫn còn nguyên đẳng cấp khi trở về Việt Nam.
Công Phượng đã ghi 29 bàn trong 64 trận gần nhất ở V-League, đạt hiệu suất 0,45 bàn/trận. Đây là thống kê đáng khen với một tiền vệ tấn công, luôn phải san sẻ khâu ghi bàn với ngoại binh.
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, vấn đề của Công Phượng chỉ là cảm giác thi đấu. “Công Phượng được thi đấu lúc này đã là quý giá, trước tiên cứ lấy lại phong độ đã. Tôi mong Công Phượng tiếp tục bùng nổ và thành công với quyết định này”.
Bên cạnh Công Phượng và dàn cầu thủ chất lượng phủ đầy ba tuyến, CLB Bình Phước còn xây dựng học viện bóng đá và tôn tạo bộ khung thượng tầng vững vàng. Ông Yusuke Adachi ngồi ghế giám đốc kỹ thuật, vốn là vai trò ông từng nắm giữ ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Đội Bình Phước đi con đường Nhật hóa rõ ràng với hàng loạt chuyên gia Nhật Bản nắm giữ các vị trí quan trọng.
Tất nhiên, không phải cứ Nhật hóa là thành công. Năm 2021, CLB Sài Gòn cũng bén duyên với các chuyên gia xứ mặt trời mọc, nhưng sau đó đi lùi. Chiến lược dài hạn, năng lực thích nghi với hoàn cảnh mới là điều kiện đủ để thành công.
Bóng đá miền Nam đã đợi rất lâu để có một đội bóng chịu chơi và làm bóng đá từ gốc rễ như Bình Phước. Hạng nhất mùa này sẽ rất đáng xem.
Khởi sắc
Bóng đá miền Nam từng làm mưa làm gió ở V-League, đặc biệt trong giai đoạn Long An (2005, 2006) và Bình Dương (2007, 2008, 2014, 2015) thay nhau thống trị.
Hay trước đây Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang cũng từng lên hạng và thể hiện cái chất bóng đá Nam Bộ rất riêng: phóng khoáng, đẹp mắt và tận hiến. Dù vậy, giờ chỉ còn sót lại CLB TP.HCM và CLB Bình Dương ở V-League.
Các đội hạng nhất như Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ dừng ở mức tồn tại, không đủ lực (hoặc ngần ngại đầu tư) để bứt lên V-League.
Nếu mùa giải này, CLB Bình Phước thi đấu quật khởi để thăng hạng, đó sẽ là cú hích cần thiết để các đội “láng giềng” mạnh dạn hơn với cuộc chơi bóng đá.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bong-da-mien-nam-quat-khoi-o-hang-nhat-voi-la-co-dau-binh-phuoc-185241018213923184.htm