Con đường bóng đá Ả Rập Xê Út đang đi có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc, Nhật Bản thậm chí là Mỹ trong quá khứ. Quốc gia Trung Đông này vung tiền để mang về giải VĐQG nước nhà (Saudi Pro League – SPL) những ngôi sao tên tuổi của bóng đá thế giới.
Tất nhiên, mọi mô hình đều không giống nhau. Ả Rập Xê Út thậm chí có vẻ gây tiếng vang lớn hơn giải VĐQG Trung Quốc (Chinese Super League – CSL) hay giải Nhà nghề Mỹ (MLS) khi chỉ mất một mùa hè để quy tụ hàng loạt ngôi sao đình đám của bóng đá thế giới. Nhưng có những bài học mà SPL có thể rút ra từ CSL để tránh sụp đổ.
Tham vọng
Không nhiều giải đấu bóng đá ngoài châu Âu làm được điều như SPL trong mùa hè 2023, chiêu mộ đương kim Quả bóng vàng thế giới (Ballon d’Or) và hàng loạt ngôi sao lớn khác vẫn còn đủ sức chơi đỉnh cao vài năm nữa. Karim Benzema, Kalidou Koulibaly, N’Golo Kante đều đủ sức đá chính ở các CLB hàng đầu thế giới thêm vài năm nữa. Đó là chưa kể Cristiano Ronaldo đã cập bến Al Nassr 6 tháng trước.
Tuy nhiên, Hakim Ziyech, người sắp trở thành đồng đội của Ronaldo, hay Ruben Neves, ngôi sao vừa phá kỷ lục chuyển nhượng của SPL với giá 55 triệu euro, cũng là những thương vụ đáng chú ý. Ở tuổi 30, Ziyech chắc chắn không đến SPL ở độ tuổi “dưỡng già” như Ronaldo hay Benzema. Neves thì từ chối Barca để cập bến Al Hilal ở tuổi 26. Tham vọng của SPL đó là trở thành giải đấu quy tụ hàng loạt ngôi sao đang ở đỉnh cao phong độ, chứ không chỉ đơn giản là nơi trả lương cao cho những cầu thủ lớn tuổi.
Đó là lý do khiến người ta tin rằng SPL của năm 2023 có nhiều cơ hội thành công hơn CSL một thập niên trước. Chính phủ Ả Rập Xê Út đứng sau hàng loạt các vụ chuyển nhượng, khác với những tập đoàn tư nhân đầu tư vào bóng đá ở Trung Quốc. Ả Rập Xê Út cũng có những tham vọng cụ thể để phát triển bóng đá, như mua lại Newcastle United. Nền bóng đá của quốc gia này cũng phát triển hơn hẳn Trung Quốc.
Những thành công mà Al Hilal cùng đội tuyển Ả Rập Xê Út làm được thời gian qua hơn hẳn các CLB và đội tuyển Trung Quốc có được. Việc Trung Quốc thiếu văn hóa bóng đá và một nền tảng vững chắc để phát triển môn thể thao vua khiến các thương vụ chuyển nhượng rầm rộ đến CSL trông không khác gì “bong bóng”. Khi tình hình kinh tế khó khăn và các công ty không còn đủ sức, “bong bóng” tại CSL vỡ.
Ả Rập Xê Út không có những vấn đề đó. Chính phủ nước này đứng sau các thương vụ và nguồn tiền từ dầu mỏ đủ đảm bảo cho sự phát triển trong thời gian dài. Cách UAE và Qatar phát triển bóng đá trong gần hai thập niên qua phản ánh điều đó.
Rủi ro
Tuy nhiên, việc vung tiền để mang về những ngôi sao nổi tiếng cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Khi đội U17 Ả Rập Xê Út thất bại 0-2 trước Uzbekistan ở tứ kết giải U17 châu Á 2023 tại Thái Lan, đã có những sự lo ngại về lộ trình phát triển tiếp theo cho các cầu thủ trẻ kể trên. Sự xuất hiện của Benzema, Ronaldo, Kante hay Koulibaly tại SPL đồng nghĩa với việc các cầu thủ trẻ bản địa Ả Rập Xê Út sẽ ít có cơ hội ra sân thi đấu hơn.
Đội hình U23 Ả Rập Xê Út vô địch châu Á 2022 là những người hiểu rõ nhất vấn đề này. Chưa tới 30% các cầu thủ U23 Ả Rập Xê Út vô địch giải châu Á năm ngoái thường xuyên đá chính tại các CLB hàng đầu SPL. Ra nước ngoài thi đấu có thể là một giải pháp, nhưng với đa phần cầu thủ Ả Rập Xê Út, họ lựa chọn ở lại trong nước. Chỉ một cầu thủ Ả Rập Xê Út vô địch U23 châu Á năm ngoái đang chơi ở nước ngoài, đó là Abdulaziz Idris khoác áo CLB NK Uljanik Pula (Croatia).
Giải SPL cho phép các CLB được đăng ký và sử dụng tối đa đến 7 ngoại binh trên sân, chính vì thế, cơ hội để các cầu thủ trẻ được thi đấu rất ít. Với những đội bóng hàng đầu và đặt tham vọng cao như Al Hilal hay Al Nassr, thời lượng thi đấu của các tài năng trẻ càng ít hơn. Đó là bài toán mà những người làm bóng đá Ả Rập Xê Út phải giải quyết.
“Tôi không hề lo lắng khi nhiều cầu thủ bỏ châu Âu để tới SPL. Đó lại là vấn đề đối với họ (Ả Rập Xê Út)? Bởi vì họ nên đầu tư vào các học viện, tìm kiếm những HLV hàng đầu và họ nên phát triển các cầu thủ của riêng mình“, Chủ tịch UEFA, Ceferin nói vào giữa tháng này. “Việc mua những cầu thủ gần như bước vào giai đoạn kết thúc sự nghiệp không phải là cách phát triển bóng đá đúng đắn. Sai lầm tương tự đã diễn ra ở Trung Quốc trước đó“.
Tất nhiên, bóng đá Ả Rập Xê Út chỉ mới đi những bước đầu tiên trên con đường tham vọng của mình. Có nhiều lý do để người ta tin rằng bóng đá Ả Rập Xê Út sẽ thành công hơn những gì người Trung Quốc làm.
(Nguồn: Zing News)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo