Những cảnh quay nghẹt thở, chân thực cùng số tiền đầu tư siêu khủng được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu lớn.
Thu hơn 10 tỷ đồng sau 1 ngày ra mắt
Tuổi ngoài 60, Tom Cruise vẫn tự thực hiện các pha mạo hiểm.
Phần phim thứ 7 của loạt phim “Mission Impossible” có tên “Mission: Impossible – Dead reckoning part one” (tựa Việt: “Nhiệm vụ bất khả thi: Nghiệp báo phần 1”).
Phim tiếp tục theo dấu đặc vụ Ethan Hunt (Tom Cruise) trên hành trình hoàn thành các nhiệm vụ bất khả thi.
Ở phần phim này, quá khứ của Ethan trước tổ chức tình báo Impossible Mission Force (IMF) lần đầu được vén màn sau gần 30 năm hoạt động.
Đồng thời, điệp viên cũng phải chạy đua với thời gian nhằm bảo toàn sự an nguy của thế giới và những người thân thiết.
Phần này đánh dấu sự trở lại của những cái tên đình đám như: Ving Rhames, Simon Pegg, Rebecca Ferguson, Vanessa Kirby, và Henry Czerny, đồng thời giới thiệu các gương mặt mới gồm Hayley Atwell, Esai Morales và Pom Klementieff.
Hayley Atwell là nữ diễn viên đồng hành cùng Tom Cruise trong phần phim này.
Phim được công chiếu tại Việt Nam từ ngày 8/7, sớm hơn 4 ngày so với lịch chiếu toàn cầu. Theo thống kê của Box Office Vietnam, phim xếp ngôi vương phòng vé với doanh thu hơn 10,3 tỷ đồng chỉ sau một ngày ra mắt.
Trong buổi công chiếu sớm tại Rome (Italy) vào cuối tháng 6, khán giả đã dự đoán bộ phim sẽ trở thành bom tấn trong năm nay.
The Hollywood Reporter dự đoán, phim sẽ thu về khoảng 90 triệu USD tại phòng vé nội địa trong tuần đầu tiên công chiếu. Dự đoán phim sẽ phá vỡ kỷ lục của phần 6 trước đó là “Mission: Impossible Fallout” (2018) – 61,2 triệu USD.
Theo Variety, “Mission: Impossible” 7 tiêu tốn 290 triệu USD để sản xuất, cao hơn hàng chục triệu USD so với số tiền dự kiến ban đầu.
Con số này cao gấp hơn 1,5 lần so với phần phim trước đó (190 triệu USD), cao gần bằng một phần ba kinh phí toàn bộ 7 phần phim.
Do đó, phim phải thu ít nhất 800 triệu USD mới hòa vốn và 1,3 tỷ USD (gấp 4 lần kinh phí sản xuất) thì mới đạt mốc doanh thu trung bình của 6 phần phim trước, mới có thể vào top 20 phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Sở dĩ, “Mission Impossible” 7 được kỳ vọng bởi tác phẩm nhận được cơn mưa lời khen từ giới chuyên môn và truyền thông quốc tế.
Với 42 bài đánh giá từ các nhà phê bình, chuyên trang đánh giá điện ảnh Metacritic tổng hợp và dành tặng “Mission: Impossible” 7 số điểm 81, cùng nhãn dán “Must-See” (ghi nhận những bộ phim xứng đáng được thưởng thức).
Ở trang Rotten Tomatoes, tác phẩm đạt điểm 99% kèm chứng nhận “Cà chua tươi» dành cho các phim xuất sắc. Đây cũng là điểm đánh giá cao nhất trong sự nghiệp điện ảnh của tài tử Tom Cruise.
Tờ ScreenRant không ngại tuyên bố đây là phần phim hay nhất trong toàn bộ loạt phim.
“Với AI (trí tuệ nhân tạo) ở tuyến phản diện, phim mang tới một góc nhìn về tương lai đầy cuốn hút. Kịch bản phim cũng được đánh giá là có chiều sâu và thú vị”, tờ báo bình luận.
Phía sau những cảnh quay “điên rồ”
Tom Cruise (trái) và đạo diễn Christopher McQuarrie ở hậu trường phim.
Có nhiều lý do khiến kinh phí phim bị đội lên, một phần phim khởi quay đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát, khiến quá trình sản xuất gặp nhiều trở ngại khi phải trì hoãn, thay đổi địa điểm quay nhiều lần.
Cùng với đó, thù lao ngất ngưởng của Tom Cruise cũng chiếm phần không nhỏ. Không tiết lộ con số cụ thể cho phần phim mới nhất, nhưng ở phần phim thứ 6, Tom đã kiếm được khoảng 50 triệu USD.
Đạo diễn Christopher McQuarrie chia sẻ, với hai phần phim mới nhất, khán giả sẽ được đi tới khắp bốn phương trời theo đúng nghĩa đen.
Thực tế chứng minh, chỉ với thời lượng 2 giờ 43 phút, phim đã đưa khán giả chu du vòng quanh thế giới, với những hình ảnh hoành tráng: Chiến đấu trên máy bay tại Dubai, đua ô tô tại Rome hay những dãy núi hùng vĩ ở Na Uy…
Bối cảnh thực hiện pha hành động khó nhất Mission- Impossible 7.
Điển hình như đường dốc ở Na Uy được ê-kíp dành nhiều tháng để xây dựng, tất cả các thiết bị phải được vận chuyển bằng trực thăng. Cảnh quay chỉ có thể thực hiện khi thời tiết hoàn hảo, cả về ánh sáng và mây che phủ.
Điều “điên rồ” ở “Mission: Impossible” 7 còn là những pha hành động “nặng đô” do đích thân siêu sao Tom Cruise thực hiện, nhiệm vụ của ê-kíp là mô tả được hết sự ngoạn mục của diễn viên.
Cây viết Todd McCarthy của tờ Deadline cho rằng, tác phẩm nâng sự phấn khích và độ ấn tượng của thương hiệu lên một vị thế mới.
Todd nhận định phần phim đạt đến đỉnh cao của phong cách làm phim hành động tại Hollywood.
Cùng quan điểm, trang Variety cho biết trong giai đoạn kỹ xảo điện ảnh đang chiếm lĩnh thị trường, những màn hành động nguy hiểm được thực hiện trực tiếp của bộ phim tạo nên sự khác biệt.
Pha mạo hiểm bậc nhất của Tom trong phần phim này có lẽ là cảnh anh chạy mô tô trên con đường được dựng lên dài 135m, cao 10,8m, rộng vỏn vẹn 3m.
Nam diễn thậm chí còn tự chỉnh chiếc mô tô Honda của mình thành một cỗ máy 300cc đẳng cấp thế giới.
Con đường nguy hiểm đến mức anh không thể lắp đồng hồ tốc độ bởi nếu nhìn vào đồng hồ đồng nghĩa với việc không quan sát được đường đi trước mặt, ngôi sao có thể bị trật khỏi đường đua và mất mạng.
“Tôi đã phải rèn luyện bản thân đến mức tôi hiểu được tốc độ di chuyển thông qua âm thanh của chiếc mô tô và cảm giác của các phân tử di chuyển trên cơ thể tôi”, nam diễn viên nói.
Khi Tom Cruise phi mô tô xuống vách đá, anh chỉ có khoảng 6 giây để bung dù. Allan Hewitt cho biết: “Nếu anh ấy không kịp bung dù, thì chỉ khoảng 2 giây sau là sẽ đập mặt vào vách đá. Mọi thứ nguy hiểm như thế đấy”.
Sau cú nhảy mô tô hoành tráng là cú speed flying (bay tốc độ) đầy mạo hiểm tại Lake Valley, Vương quốc Anh. Đây là một môn thể thao mạo hiểm, kết hợp giữa nhảy dù và trượt tuyết.
Nam diễn viên hạ cánh ở tốc độ 80km/h trong quá trình quay phim. Tom nói rằng, anh đã tập luyện 3 năm cho cảnh quay nhảy dù tốc độ. “Tôi muốn đem lại cho khán giả cảm giác như mình đang bay”, tài tử phấn khích.
Tổng cộng, để có thể tự đóng những pha mạo hiểm Tom đã học lái mô tô đi ở địa hình nguy hiểm trong 15 tháng, 536 lần nhảy dù thực hành và 13.000 lần tập lái mô tô bay.
Ngoài ra, trong 3 năm, nam diễn viên còn phải trải qua hàng loạt khóa huấn luyện nhảy dù, điều khiển dù, thoát khỏi máy bay ở những góc nguy hiểm để học cách điều chỉnh vị trí của mình trên không.
Theo Allan Hewitt – điều phối viên nhảy dù và thả dù an toàn của dự án phim, Tom Cruise đã thực hiện số lần nhảy dù “nhiều hơn hầu hết vận động viên tập luyện cho giải vô địch thế giới”. Trong nhiều tháng, Tom Cruise tập nhảy dù vào buổi sáng và luyện chạy mô tô trên đường dốc vào buổi chiều.
Mission Impossible là loạt phim truyền hình tình báo nổi tiếng của Mỹ, lên sóng giai đoạn 1966-1973, sau đó là 1988-1989.
Năm 1996, đạo diễn Brian De Palma quyết định đưa câu chuyện tổ chức tình báo Impossible Mission Force (IMF) lên màn ảnh rộng, do Tom Cruise đóng chính.
Đến nay, 6 phần phim thu về 3,8 tỷ USD, là series phim ăn khách thứ 18 trong lịch sử điện ảnh thế giới. Trung bình các phần phim mang lại khoản lời gấp hơn 4 lần kinh phí ban đầu.