Các HLV kỳ cựu cho biết khi kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên nổi lên, thống trị tuyệt đối nhiều cự ly ở đấu trường trong nước, các đơn vị bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang các nội dung không phải sở trường của cô. Tình trạng này cũng diễn ra ở khu vực Đông Nam Á khi Ánh Viên bùng nổ từ năm 2015, các quốc gia khác cũng chuyển hướng đầu tư, “né” thế mạnh của kình ngư số 1 Việt Nam.
Thể thao suy cho cùng vẫn là thành tích. Vì thế các đơn vị trong nước, các quốc gia trong khu vực khi biết khó cạnh tranh với Ánh Viên, họ phải chuyển hướng hoặc đầu tư cho thế hệ trẻ nhằm tính đường dài, chờ ngày Ánh Viên qua đỉnh cao phong độ hoặc giải nghệ. Singapore với tiềm lực mạnh, nguồn tài năng dồi dào vẫn duy trì được sự đầu tư các thế hệ tiếp nối nhờ đó khi Ánh Viên giải nghệ, các VĐV đảo quốc sư tử nhanh chóng vươn lên.
Trong khi đó ở Việt Nam, khi Ánh Viên giải nghệ thì các đơn vị mới bắt tay đầu tư thì phải từ 6 đến 8 năm thậm chí 10 năm mới hi vọng gặt hái thành tích. Chưa kể với môn bơi việc đầu tư cho VĐV nữ khó hơn nhiều so với VĐV nam bởi tìm VĐV tài năng đã hiếm, các em còn thay đổi tâm sinh lý khi đến tuổi dậy thì. Vì thế nhiều VĐV nữ có thành tích tốt ở các giải trẻ nhưng sau đó nhanh chóng thụt lùi và giải nghệ sớm.
Ở SEA Games 31, đội bơi nữ Việt Nam kỳ vọng Phạm Thị Vân, Võ Thị Mỹ Tiên. Đến SEA Games 32 có thêm tài năng 14 tuổi Nguyễn Thúy Hiền. Tuy nhiên thành tích của các em chưa đột phá, thể hình cũng không tốt như đàn chị Ánh Viên nên cũng chỉ dừng ở mức độ kỳ vọng.
Bà Lê Thanh Huyền, phụ trách môn bơi Tổng cục TDTT cho biết hiện đội tuyển bơi trẻ Việt Nam có 5 đến 7 em tập luyện ở 3 trung tâm HLTTQG trên toàn quốc với kỳ vọng tiếp bước đàn chị Ánh Viên trong tương lai.