Chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) nước ta hướng tới mọi người dân, người lao động, trong đó có học sinh, sinh viên.
Bộ Y tế trả lời về kiến nghị Bảo hiểm y tế học sinh nên áp dụng mua theo hộ gia đình. (Nguồn: VGP) |
Nhờ sự ưu việt, thiết thực về quyền lợi, giàu tính nhân văn nên BHYT học sinh, sinh viên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ.
Đề xuất quy định đóng BHYT theo một mức phù hợp
Bộ Y tế nhận được Công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024 của Ban Dân nguyện – Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri TP. Đà Nẵng.
Cử tri phản ánh, việc đóng BHYT của cán bộ, công chức, viên chức tăng theo hệ số lương được áp dụng kể từ ngày 01/7/2024; trong khi đó, các đối tượng là người lao động phổ thông, người dân kinh doanh buôn bán tự do thì không áp dụng tăng lương nhưng phải đóng BHYT theo hệ số lương mới.
Do đó, cử tri kiến nghị nghiên cứu, quy định việc đóng BHYT theo một mức phù hợp, thay vì căn cứ theo hệ số lương như hiện nay. Đồng thời, đối với BHYT của học sinh nên áp dụng mua theo hộ gia đình sẽ đảm bảo có lợi hơn cho người dân.
Luật BHYT hiện hành quy định “Hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú”; trên thực tế việc thực hiện quy định này là khó khăn vì đối với các hộ gia đình đông nhân khẩu, có hoàn cảnh khó khăn, không đủ kinh phí để đóng BHYT cho tất cả các thành viên trong hộ.
Do đó, để đảm bảo tính khả thi, cử tri kiến nghị xem xét, sửa đổi quy định này theo hướng giảm mức đóng đối với các hộ gia đình đông người, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả thành viên trong gia đình được tham gia BHYT.
Trả lời cử tri, Bộ Y tế cho biết theo quy định của Luật BHYT, mức đóng BHYT hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở.
Trên cơ sở quy định của Luật, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, mức đóng BHYT là 4,5%.
Dựa trên phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng BHYT dựa trên điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.
Chính sách BHYT nước ta hướng tới mọi người dân
Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia BHYT, Luật BHYT, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình; điểm e, khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng BHYT như sau:
Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;
Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Chính sách BHYT nước ta hướng tới mọi người dân, người lao động, trong đó có học sinh, sinh viên. Nhờ sự ưu việt, thiết thực về quyền lợi, giàu tính nhân văn nên BHYT học sinh, sinh viên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ. Điều 12, Luật BHYT đã quy định các nhóm đối tượng tham gia BHYT.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bo-y-te-tra-loi-ve-kien-nghi-bao-hiem-y-te-hoc-sinh-nen-ap-dung-mua-theo-ho-gia-dinh-288920.html