Lấy ý kiến về nồng độ cồn trong máu, khí thở
Lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa, đề nghị nghiên cứu, đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông (gọi chung là lái xe).
Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như: nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các chuyên gia, đơn vị gửi các đề xuất nội dung quy định về Cục Quản lý khám, chữa bệnh trước 20.2, để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.
Một chuyên gia của Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho hay, đề xuất từ các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn là cơ sở để cục nghiên cứu, đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở lái xe.
Mới đây, đại diện Bộ Y tế cũng đã có cuộc họp với Bộ Công an về một số vấn đề liên quan đến quy định nồng độ cồn với lái xe. Vấn đề này sẽ được hai bộ và các cơ quan liên quan thảo luận trong thời gian tới.
Cử tri đề nghị quy định mức nồng độ cồn tối thiểu, Bộ GTVT nói gì?
Chưa có quy định về nồng độ cồn tự nhiên
Liên quan đến quy định hiện hành về nồng độ cồn với các lái xe, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết, luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cấm điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Quy định này áp dụng ổn định đối với người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trong 10 năm, trước khi luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã kế thừa quy định này, mở rộng thêm đối với người điều khiển xe máy và các phương tiện giao thông khác.
Hiện, các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể.
Về ngưỡng nồng độ cồn, tại Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23.1.2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế có quy định về định lượng ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu, tại mục 60 của quyết định này.
Theo đó, tại điểm 4 “nhận định kết quả” có ghi: trị số thường dưới 10,9 mmol/lít (tương đương 50 mg/100 ml).
Ethanol từ 10,9 – 21,7 mmol/lít: biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén; 21,7 mmol/lít: biểu hiện ức chế thần kinh T.Ư; nồng độ 86,8 mmol/lít: có thể gây nguy hại cho tính mạng.
Nội dung trên tại Quyết định số 320/QĐ-BYT là sự phân loại các mức, ngưỡng nồng độ cồn tương ứng với mức độ biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, theo chuyên môn y tế. Điều này không đồng nghĩa với cách hiểu, cho phép trong máu có cồn dưới 0,5 mg/ml được coi là cồn tự nhiên trong cơ thể.
Một chuyên gia về y tế cho rằng, có một số sản phẩm y tế dùng cho người bệnh có thể chứa cồn, khiến người không uống rượu, bia vẫn có chỉ số nồng độ cồn thấp, trong tình huống được yêu cầu xét nghiệm, đánh giá nồng độ cồn. Do đó, nên xem xét để đưa ra quy định nồng độ cồn máu, khí thở.
Tuy nhiên việc này cần được đánh giá rất chặt chẽ trên cơ sở khoa học, y tế, để đảm bảo an toàn cho lái xe và những người tham gia giao thông; về an ninh trật tự xã hội; đảm bảo thực thi nghiêm các quy định phòng, chống tác hại của rượu, bia.