Trong kế hoạch tuyển sinh năm 2025 tới đây, nhiều trường đại học (ĐH) cho hay sẽ bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ. Trước đó từ mùa tuyển sinh 2024, không ít trường cũng đã bỏ phương thức tuyển sinh này.
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới) ở tất cả các cấp học, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và tuyển sinh ĐH năm học 2025 – 2026 tới đây sẽ thực hiện bám sát chương trình mới. Theo đó, cả thi tốt nghiệp THPT cũng như xét tuyển ĐH sẽ có những đổi mới đáng kể.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT. Trong đó sử dụng kết quả điểm thi và kết quả đánh giá quá trình 3 năm học của học sinh theo tỷ lệ 50 – 50; tức là tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập của học sinh ở các năm THPT nhằm đánh giá toàn diện các năng lực theo chương trình mới. Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh dự thi 4 môn; trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Về tuyển sinh ĐH sẽ có thêm các tổ hợp mới do có hai môn Tin học, Công nghệ (công nghiệp, nông nghiệp) lần đầu tiên được tổ chức thi trong kỳ thi.
Điều đáng lưu ý là cho đến thời điểm này, một số trường đã có thông tin về chủ trương tuyển sinh 2025. Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Trung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, những năm trước, điểm học bạ được sử dụng để xét tuyển độc lập vào trường (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (30-40% chỉ tiêu). Tuy nhiên, từ năm 2025, trường sẽ không sử dụng kết quả học bạ với cả hai phương thức này. Theo ông Trung, lý do là theo chương trình mới, mỗi học sinh sẽ lựa chọn và có điểm học bạ ở những tổ hợp khác nhau nên việc xét tuyển này không còn phù hợp. Thay vào đó, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ là một trong các phương thức tuyển sinh chủ đạo của trường trong năm 2025.
Trường ĐH Công thương TPHCM thông báo, dự kiến từ mùa tuyển sinh năm 2025 sẽ phân bổ lại chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển theo hướng giảm mạnh chỉ tiêu xét học bạ THPT. Tỷ lệ xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT chiếm 50 – 60% tổng chỉ tiêu, tương đương năm 2024; xét tuyển bằng học bạ lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 sẽ giảm xuống còn 15% – 20% tổng chỉ tiêu, giảm 10% so với năm 2024. Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện xét tuyển thẳng, xét điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM. Đáng chú ý, trường dự kiến bổ sung phương thức xét tuyển điểm đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM.
Lý giải về việc giảm chỉ tiêu, ông Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông nhà trường cho biết, điểm học bạ của các trường THPT công lập và tư thục thường không đều nhau, khoảng cách chênh lệch lớn. Điều này dẫn đến việc thiếu công bằng trong xét tuyển đầu vào.
Ở khu vực phía Bắc, năm 2025 Trường ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh giống như năm 2024, nhưng có sự điều chỉnh về chỉ tiêu theo từng phương thức. Việc bỏ xét tuyển học bạ đã được Trường ĐH Kinh tế quốc dân thực hiện từ mùa tuyển sinh 2024.
Trước đó, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10-15% chỉ tiêu. Về nguyên nhân bỏ phương thức xét tuyển này, nhà trường cho hay qua nhiều năm đã nhận thấy hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên (nhóm đủ điều kiện xét tuyển bằng học bạ vào trường) đều có đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Vì vậy, bỏ xét học bạ sẽ làm giảm tỷ lệ ảo, vì một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.
Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 và chuẩn bị kỳ thi từ năm 2025 vừa tổ chức, Bộ GDĐT thừa nhận rằng việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp. Nhiều thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn không đỗ được nguyện vọng mình yêu thích tạo tâm lý xã hội không tốt cho hàng ngàn thí sinh và phụ huynh.
Thực tế cũng cho thấy, học sinh khi đã đủ điều kiện trúng tuyển ĐH theo phương thức xét tuyển sớm sẽ không học nữa, điều đó rất tai hại. Do đó, bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ được nhiều người đồng tình.
Cô Phạm Thủy – giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) ủng hộ phương án này. Theo đó, việc nhiều trường ĐH top đầu quyết định loại bỏ phương thức xét học bạ là phù hợp với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 – các em cần phát triển kiến thức và kỹ năng toàn diện. Hơn nữa, trong quá trình học tập, nhiều trường hợp điểm số của học sinh chưa thực chất vì nhiều lý do chủ quan. Do đó, bỏ xét học bạ và đánh giá học sinh bằng các kỳ thi của Bộ GDĐT và phương pháp đánh giá riêng của trường ĐH thì hợp lý hơn.
Tính đến tháng 5/2024, có 224 trường ĐH xét học bạ tại Hà Nội và TPHCM. Với hình thức này, theo đánh giá chung điểm đầu vào là khá cao, thậm chí nhiều khoa của các trường ĐH thuộc hàng “top” lấy điểm gần như tuyệt đối. Đơn cử như ngành Marketing số (cơ sở Hà Nội), ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng và Truyền thông Marketing tích hợp (cơ sở TPHCM) của Trường ĐH Ngoại thương lấy điểm tuyệt đối 30.
Nguồn: https://daidoanket.vn/bo-xet-tuyen-hoc-ba-de-giam-ty-le-ao-10293715.html