Bộ Xây dựng nhận được phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM) về việc hiện nay đang tồn tại thực trạng chủ đầu tư huy động vốn trái phép từ người mua nhà khi chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định, hoặc chủ đầu tư sau khi hoàn thành xong dự án (bàn giao căn hộ cho người mua sử dụng) nhưng chưa giải chấp ngân hàng khoản vay vốn đầu tư, xây dựng dự án trước đó, dẫn đến người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Hiện đang tồn tại thực trạng chủ đầu tư huy động vốn trái phép từ người mua nhà khi chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định- Ảnh minh hoạ
Đại biểu chất vấn vậy Bộ trưởng, Bộ Xây dựng đã có biện pháp gì (bao gồm các biện pháp xử lý hành chính và hình sự) để hạn chế các sai phạm của chủ đầu tư dự án hay không? Và trong giai đoạn tới chuẩn bị sửa đổi Luật Nhà ở thì các đề xuất quy định nghiêm ngặt trong kiểm soát và xử lý các sai phạm để chủ đầu tư không thể làm sai hoặc không dám làm sai?”.
Trả lời nội dung này, Bộ Xây dựng cho biết thị trường bất động sản thời gian qua đã có bước phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó thị trường cũng bộc lộ một số bất cập, tồn tại, trong đó có việc như đại biểu nêu. Điều này dẫn đến vướng mắc không làm được thủ tục, không bàn giao được Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho người mua.
Về giải pháp, cùng với các giải pháp trước mắt, Bộ Xây dựng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29-8-2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để tháo gỡ các vướng mắc, xử lý sai phạm để bảo vệ thị trường, bảo vệ tài sản của người dân, không hợp thức hóa sai phạm đồng thời đánh giá khách quan, xác định nguyên nhân, có cơ chế tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn đặt ra.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), bổ sung. Trong dự thảo các Luật sửa đổi, bổ sung nêu trên đã chú trọng xây dựng nhóm hệ thống các quy định nhằm quy định đồng bộ, bao quát giữa việc vừa tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi đồng thời cũng đảm bảo có sự quản lý, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng quy định pháp luật trong việc huy động vốn, sử dụng vốn huy động của các chủ đầu tư dự án bất động sản; quy định về các hình thức huy động vốn, quản lý sử dụng vốn huy động của các chủ đầu tư dự án bất động sản.
Quy định áp dụng biện pháp bảo đảm trong giao dịch mua bán bất động sản hình thành trong tương lai; quy định chặt chẽ, phù hợp thực tiễn về điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh.
Quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, bên bán, cho thuê mua, cho thuê bất động sản trong việc phải tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền lợi của khách hàng; trách nhiệm trong việc áp dụng, ký kết, thực hiện các hợp đồng kinh doanh bất động sản đúng quy định pháp luật.
Quy định nâng cao điều kiện, trách nhiệm, năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động, hành nghề môi giới bất động sản…
Theo Bộ Xây dựng, các tồn tại trong việc chủ đầu tư lách luật huy động vốn khi chưa đủ điều kiện pháp lý có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân trực tiếp tác động như: pháp luật hiện hành còn chưa hoàn thiện, đồng bộ để đảm bảo ngăn chặn được triệt để các hành vi lách luật để huy động vốn trong giao dịch bất động sản; năng lực chủ đầu tư dự án bất động sản chưa được sàng lọc tốt; hiểu biết pháp luật và tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản chưa cao, có tâm lý chạy theo lợi nhuận; thông tin về thị trường bất động sản chưa thông suốt; công tác thanh tra, kiểm tra, phổ biến pháp luật, giám sát việc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý thị trường bất động sản.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/bo-xay-dung-noi-gi-ve-viec-chu-dau-tu-huy-dong-von-trai-phep-tu-nguoi-mua-nha-20230211142852093.htm