Đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách
Sáng 22/2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo về việc triển khai, thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong năm 2024.
Theo đó, ông Sinh cho biết, đến nay đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, tăng cường ưu đãi hỗ trợ thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên cả nước.
Về kết quả hoàn thiện thể chế, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); theo đó đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, tăng cường ưu đãi hỗ trợ thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và có các chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Bộ Xây dựng ban hành nhiều Thông tư cho phép các dự án chưa có quy hoạch chi tiết thì được sử dụng quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung tại những khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án, rút ngắn thủ tục hành chính.
Về thực tế triển khai, theo báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.031 ha so với báo cáo năm 2020.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 71 dự án với quy mô 37.868 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 127 dự án với quy mô 107.896 căn và số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 301 dự án với quy mô 265.486 căn.
“Đối với nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng với số lượng 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nêu.
Về việc giải ngân nguồn vốn 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, nhà ở của hộ gia đình, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay dư nợ đạt 10.272 tỷ đồng với 26.268 khách hàng.
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, hiện nay đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.
Việc đầu tư NOXH còn hạn chế ở một số địa phương lớn
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua đã đạt được kết quả quan trọng, nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn nhận một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025 (Hà Nội chỉ có 3 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; Tp.HCM với 7 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%…) hoặc một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay (Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi…).
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong quá trình thực hiện đề án cũng ghi nhận một số hạn chế.
Thứ nhất, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án.
Thứ hai, nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm; chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.
Một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng chưa quan tâm trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng; một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ.
Thứ ba, nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển dự án nhà ở xã hội của Chính phủ chưa được giải ngân hiệu quả, chưa thu hút được nhà đầu tư vay vốn.
Sau khi nhìn nhận rõ những kết quả và thách thức đặt ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới phải cùng phối hợp, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án.
Theo đó, đối với các bộ ngành sẽ phối hợp xây dựng chủ trương, chính sách,… để đồng bộ các quy định pháp luật, đưa Đề án đi vào thực tiễn tại từng địa phương.
Đối với các địa phương cần khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội, lập kế hoạch triển khai Đề án.
Đối với các doanh nghiệp tiến hành xây dựng các dự án nhà ở xã hội cũng cần chuẩn bị nguồn lực tài chính, áp dụng công nghệ để rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình.
Để được hỗ trợ về tài chính, các chủ đầu tư cũng cần chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với UBND cấp tỉnh để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.