Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1626/QĐ-TTg ngày 25/12/2023.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Theo Quy hoạch, cơ bản tất cả các khu vực khoáng sản tại từng địa phương thuộc 6 vùng kinh tế trên cả nước đều được khoanh định tọa độ khép góc, xác định cụ thể diện tích, dự kiến tài nguyên, trữ lượng và công suất khai thác để thuận lợi cho công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; đồng thời được sắp xếp khoa học theo danh mục cho từng loại khoáng sản được phân theo mục đích sử dụng để thuận tiện cho việc quản lý, theo dõi, tra cứu và cập nhật thông tin trong quá trình thực hiện quy hoạch sau này.
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch, Bộ Xây dựng đánh giá cao và cảm ơn sự tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan TW và các địa phương, cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, môi trường và vật liệu xây dựng.
Để thực hiện thành công Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành trung ương và địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quan tâm phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong quá trình thực hiện quy hoạch đảm bảo kịp thời, chất lượng và hiệu quả.
Bộ cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan quan tâm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch; tổng hợp báo cáo các thông tin liên quan và đề xuất vướng mắc (nếu có) trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
“Với sự tham gia, phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện của các Bộ, ngành và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng tin tưởng rằng Quy hoạch sẽ được thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thu được những kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước những năm tới và trong tương lai”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có các nội dung về Quy hoạch thăm dò, khai thác theo các nhóm khoáng sản; Quy hoạch chế biến và sử dụng; Định hướng quy hoạch hạ tầng và Định hướng phát triển khoa học và công nghệ.
Theo ông Đào Công Vũ – Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ – Luyện kim (Bộ Công Thương), Quy hoạch đã được nghiên cứu xây dựng công phu và tuân thủ chặt chẽ theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Khoáng sản 2010 và Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 17/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 215/QĐ-BXD ngày 8/5/2020 của Bộ Xây dựng.
Đồng thời, Quy hoạch đã được xây dựng trên cơ sở tổng hợp, phân tích các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội các vùng có phân bố khoáng sản làm vật liệu xây dựng, phân tích đánh giá tác động hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến các lĩnh vực, ngành kinh tế xã hội, dự báo bối cảnh phát triển quốc gia, các ngành, địa phương và dự báo nhu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho phát triển trong kỳ Quy hoạch; đánh giá tài nguyên – trữ lượng, đánh giá hiện trạng công tác thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng, nhân lực, công nghệ – thiết bị trong khai thác – chế biến khoảng sản làm vật liệu xây dựng.
Mục tiêu của Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển bền vững hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tương xứng với tiềm năng khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng cho nền kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan. Hình thành ngành khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng tập trung, đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, phù hợp với xu thế của thế giới.
Giai đoạn đến năm 2030: ngành công nghiệp khai thác – chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng trở thành ngành công nghiệp hiện đại, áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ định vị vào quản lý và sản xuất; hạn chế các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị khai thác, chế biến tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và lợi thế cạnh tranh.
Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050: Phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng thành ngành kinh tế mạnh, đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước; áp dụng triệt để công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản tiên tiến, hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực Châu Á; chấm dứt các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên phát triển vật liệu xanh, vật liệu mới thân thiện với môi trường…