Tại sự kiện, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ TT&TT cho biết, ASEAN đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, đóng vai trò trung tâm trong việc xử lý và giải quyết nhiều vấn đề của thế giới. Việt Nam hiện là một thành viên tích cực của ASEAN và đang chủ động triển khai nhiều chương trình và sáng kiến hợp tác để nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN nói chung và vai trò của Việt Nam nói riêng trong việc đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới. Cách đây một tuần, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã được tổ chức thành công tại nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào. Sau hội nghị này, ASEAN đang ngày càng khẳng định vị trí của mình với vai trò trung tâm cùng các cơ chế hợp tác toàn diện trong khu vực, ông Long cho biết.
ASEAN ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trên trường quốc tế
Ông Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao thông báo về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các cấp cao có liên quan. Ông Bình nêu bật vai trò quan trọng của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, nhiều điểm nóng an ninh gia tăng căng thẳng và các thách thức về kinh tế, biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển của các quốc gia thành viên.
Những năm qua, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Năm 2023, GDP của khu vực tăng trưởng 5,1% so với năm 2015, đạt 3.800 tỷ USD, thu hút 230 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, những rủi ro từ bên ngoài, nhất là tác động của biến động kinh tế toàn cầu và an ninh phi truyền thống, vẫn là những thách thức lớn mà ASEAN phải đối mặt.
Với tầm nhìn đến năm 2045, ASEAN hướng tới xây dựng một cộng đồng gắn kết, phát triển toàn diện, có khả năng chống chịu trước những biến động toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia ASEAN cần tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại đến văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ. Đặc biệt, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn là những lĩnh vực cần được ưu tiên thúc đẩy.
ASEAN cũng cam kết tiếp tục nâng cấp các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Canada và triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tạo cơ hội lớn cho khu vực trong việc tăng cường chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường.
Hiệp định khung của ASEAN về kinh tế số – cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số trong khu vực
Cũng tại Hội nghị, bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương có bài tham luận quan trọng “Cộng đồng kinh tế ASEAN sau 2025, cơ hội và triển vọng từ Hiệp định khung Kinh tế số ASEAN (DEFA)”.
Bà Chi cho biết, mặc dù kinh tế toàn cầu hiện nay gặp nhiều thách thức nhưng nền kinh tế của khu vực ASEAN vẫn có sự phát triển tích cực. GDP của cả khu vực tăng hơn 4% trong năm qua, tổng giá trị GDP kết hợp là 3.800 tỷ USD. Dự kiến tăng trưởng 4,6% trong năm nay và 4,7 tỷ USD năm 2025.
Về thương mại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, tiếp theo là Mỹ và EU. Tổng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào ASEAN năm 2023 đạt 229 tỷ USD. Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất. Các nước trong khu vực đã hoàn thành 9 trên 14 sáng kiến kinh tế ưu tiên trong năm Lào làm chủ tịch ASEAN.
Hiệp định khung của ASEAN về kinh tế số (DEFA) là một trong những sáng kiến chính của lộ trình chuyển đổi số Bandar Seri Begawan. Hiện Hiệp định đang trong giai đoạn đàm phán gồm 16 chương và 36 điều. Dự kiến Hiệp định sẽ hoàn thành cơ bản vào năm 2025, góp phần thiết lập một nền tảng vững chắc đưa ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế số hàng đầu. Thị trường thương mại điện tử ASEAN có giá trị 200 tỷ USD năm 2022, dự kiến đạt 330 tỷ USD năm 2025 và sau khi DEFA có hiệu lực thì thương mại điện tử của khu vực sẽ có sự phát triển mạnh, đạt 2000 tỷ USD năm 2030.
Tuy nhiên, bà Chi cũng nêu ra một số thách thức trong quá trình đàm phán Hiệp định DEFA như: Trình độ phát triển của các nước trong khu vực không đồng đều, sự sẵn sàng khi thực thi, hệ thống pháp lý, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, khó khăn về nguồn nhân lực…
Liên quan đến vấn đề nhân lực, bà Hà Thị Minh Đức, đại diện đến từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có bài tham luận chủ đề “Nỗ lực của ASEAN trong việc hỗ trợ người lao động di cư trong khu vực”.
Tại Hội nghị, đại diện từ cơ quan báo chí và các Bộ, ngành đã sôi nổi thảo luận, đồng thời cung cấp thêm thông tin, làm rõ thêm nhiều nội dung quan trọng được nêu trong các tham luận.
Kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT), ông Triệu Minh Long đánh giá cao sự tham gia tích cực của đại diện các Bộ, ngành và các cơ quan báo chí, góp phần tạo nên thành công của Hội nghị hôm nay. Ông Long nhấn mạnh, các hoạt động chuyển đổi số trong ASEAN đã được triển khai trong nhiều năm nay. Hiện nay Việt Nam đang là nước dẫn dắt nhiều sáng kiến về chuyển đổi số trong ASEAN, chẳng hạn như sáng kiến về 5G.
Ông Long cho biết, trong tháng 11 tới, Bộ TT&TT sẽ tổ chức sự kiện quốc tế thường niên là Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2024, khẳng định vai trò dẫn dắt của Việt Nam đối với tiến trình chuyển đổi số trong khu vực.
Nguồn: https://mic.gov.vn/bo-tttt-to-chuc-hoi-nghi-cung-cap-thong-tin-ve-tinh-hinh-va-dinh-huong-hop-tac-asean-197241017212836833.htm