Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 3/11 đến 5/11, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, đặc biệt từ Hà Tĩnh đến Bình Định, có khả năng xảy ra mưa lớn với lượng mưa từ 200-400mm, có nơi vượt 500mm. Từ ngày 6/11, mưa lớn có thể dịch chuyển và kéo dài, gây nguy cơ ngập úng, lũ quét và sạt lở đất.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau:
Đảm bảo chế độ trực ban: Các đơn vị phải duy trì chế độ trực lãnh đạo, trực ban chỉ huy phòng, chống thiên tai 24/24, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ để kịp thời ứng phó. trực lãnh đạo, trực ban chỉ huy phòng, chống thiên tai 24/24, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ để kịp thời ứng phó.
Cục Viễn thông:Là đầu mối tiếp nhận và tổng hợp thông tin về tình hình mưa lũ, đưa ra các phương án ứng phó và tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo kịp thời. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin và sẵn sàng hỗ trợ khi xảy ra sự cố.
Cục Báo chí, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử: Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình liên tục đưa tin về tình hình dự báo, cảnh báo mưa lũ và hướng dẫn các biện pháp ứng phó, giúp người dân cập nhật thông tin nhanh chóng.
Cục Bưu điện Trung ương: Đảm bảo thông tin liên lạc bằng xe cơ động, sẵn sàng phục vụ các đoàn công tác của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia khi có yêu cầu.
Vụ Bưu chính: Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính rà soát hệ thống và lên phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống vận chuyển bưu chính trong điều kiện mưa lũ.
Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố: Chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình cập nhật liên tục các bản tin dự báo mưa lũ từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Tăng cường tần suất phát sóng nhằm giúp người dân ở các vùng nguy hiểm chủ động phòng tránh. Phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn để đảm bảo duy trì thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành công tác ứng phó mưa lũ. Xác định các khu vực bị mất liên lạc do mưa lũ để phối hợp khắc phục, đồng thời đề nghị cung cấp điện liên tục cho các trạm BTS để duy trì liên lạc.
Các doanh nghiệp viễn thông: Thực hiện các biện pháp gia cố cơ sở hạ tầng, như cột ăng-ten, nhà trạm, chuẩn bị sẵn sàng thiết bị dự phòng như máy phát điện, ắc quy. Phối hợp nhắn tin cảnh báo mưa lũ tới các thuê bao di động tại các khu vực bị ảnh hưởng khi có yêu cầu từ Bộ. Lên phương án khôi phục mạng lưới nhanh chóng sau khi mưa lũ qua đi, tăng cường các tuyến truyền dẫn để hỗ trợ thông tin chỉ đạo điều hành.
Đảm bảo an toàn cho mạng lưới thông tin liên lạc công cộng (cố định, di động, Internet). VNPT và Viettel tăng cường xe BTS lưu động, phối hợp triển khai các giải pháp kết nối dự phòng qua vệ tinh nhằm đảm bảo thông tin liên lạc khi mất kết nối công cộng. Viettel sẵn sàng sử dụng xe thông tin chuyên dụng để tiếp cận các khu vực khó khăn, truyền thông tin từ hiện trường về trung tâm điều hành.
Theo đó, các đơn vị tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến mưa lũ; báo cáo trước 9h sáng hàng ngày và đột xuất theo yêu cầu của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai Bộ TT&TT về tình hình hoạt động của mạng lưới bưu chính, viễn thông; Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn; kết thúc đợt mưa lũ có báo tổng kết, rút kinh nghiệm để ứng phó với các đợt thiên tai tiếp theo./.
Nguồn: https://mic.gov.vn/bo-tttt-chi-dao-khan-ung-pho-voi-mua-lon-lu-tai-mien-trung-197241106100853263.htm