Theo Bộ TT-TT, căn cứ Nghị định số 63/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Tần số vô tuyến điện, Bộ trưởng Bộ TT-TT đã ban hành phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.500 – 2.600 MHz và băng tần 3.700 – 3.900 MHz.
Trong đợt đấu giá lần này, Bộ TT-TT đấu giá 3 khối băng tần có độ rộng 100 MHz để làm 5G, mỗi doanh nghiệp được trúng tối đa 1 khối.
Giá khởi điểm của khối băng tần 2.500 – 2.600 MHz là gần 4.000 tỉ đồng. Giá khởi điểm của khối băng tần từ 3.700 – 3.800 MHz và khối băng tần từ 3.800 – 3.900 MHz là gần 2.000 tỉ đồng.
Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm. Riêng doanh nghiệp đấu giá trúng băng tần 2.500 – 2.600 MHz có thể sử dụng để triển khai thêm 4G.
Thứ tự đấu giá, khối băng tần 2.500 – 2.600 MHz trước, sau đó đấu giá khối băng tần 3.800 MHz – 3.900 MHz và cuối cùng là khối băng tần 3.700 MHz – 3.800 MHz.
Bộ TT-TT thông báo công khai phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.500 – 2.600 MHz và băng tần 3.700 – 3.900 MHz để các đơn vị, doanh nghiệp liên quan biết và triển khai thực hiện.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ TT-TT thông báo công khai phương án tổ chức đấu giá, tổ chức muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.500 – 2.600 MHz và băng tần 3.700 – 3.900 MHz phải nộp hồ sơ đề nghị xác nhận đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp.
Các hồ sơ nộp không đúng thời hạn trên sẽ không được tiếp nhận và giải quyết.
Theo Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT), mục tiêu của lần đấu giá này là muốn Việt Nam sớm có được băng tần 5G để cho phép các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động băng rộng đến người dân, giúp cho việc phát triển hạ tầng số Việt Nam.
Việc cấp phép bằng hình thức đấu giá để bảo đảm tính cạnh tranh của cuộc đấu giá, đồng thời bảo đảm tạo lập được một thị trường viễn thông di động hài hòa, cạnh tranh và phát triển bền vững.
Bộ TT-TT hy vọng cuộc đấu giá sẽ thành công và kết thúc vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 tới.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thử nghiệm 5G ở 55 tỉnh, thành phố. Việt Nam muốn thúc đẩy các công ty nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G; đồng thời, sẽ thí điểm 5G ở khu công nghệ cao, các trường đại học, viện nghiên cứu…
Dự báo của các chuyên gia, đến 2025, 5G có khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP Việt Nam từ 7,3 – 7,4% bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp.
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 11 của Bộ TT-TT, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Văn Tuấn cho biết, không chỉ các băng tần 2.600 – 2.700 MHz, 3.700 MHz sẽ được đấu giá, cấp phép cho các doanh nghiệp để làm 5G mà còn có các băng tần khác sẽ được tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch và cấp cho doanh nghiệp.
Dự báo đến năm 2030, các doanh nghiệp di động ở Việt Nam cần tổng cộng 1.700 – 2.200MHz trong dải tần 1 – 7 GHz để triển khai dịch vụ.
Trong tháng 11.2023, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có công văn gửi Bộ TT-TT về phương án tổ chức đấu giá băng tần. Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia thường đấu giá, cấp phép nhiều khối băng tần 5G cho nhiều nhà mạng cùng triển khai 5G, tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp, đem lại lợi ích cho người dân và thúc đẩy các doanh nghiệp cùng phát triển.
Vì vậy, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đề nghị Bộ TT-TT sớm tổ chức đấu giá đồng thời nhiều khối băng tần cho 5G (3 – 4 khối băng tần), tạo điều kiện để các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng tham gia xây dựng mạng 5G phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ công nghệ tiên tiến cho người dân, doanh nghiệp.