Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay Chính phủ thống nhất không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sau khi tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết khi giải trình trước Quốc hội ngày 19/6 về quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Bộ trưởng Xây dựng thừa nhận đề xuất này nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Xây dựng đề xuất hai phương án, một là sở hữu có thời hạn, hai là không.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nghị cho biết Chính phủ thống nhất chọn phương án không quy định thời hạn sở hữu như trong dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến.
Song song đó, cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung về trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong di dời, phá dỡ và đóng góp xây dựng lại. Dự thảo cũng làm rõ trách nhiệm chủ thể có liên quan để làm cơ sở xử lý, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thực tế.
Thảo luận trước đó, một số đại biểu Quốc hội cũng đồng tình phương án duy trì chung cư sở hữu dài hạn. Ông Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng chung cư tuổi thọ càng cao, hiệu quả kinh tế với xã hội càng lớn. Ông Nghĩa cho hay, ở nước ngoài có những chung cư hàng trăm năm và những nơi này “làm nên hồn cốt của đô thị đó”.
Ông ví dụ, tại Singapore nhà ở thương mại có thể sở hữu lên đến hàng trăm năm nhưng khi thời hạn an toàn không bảo đảm, các công ty phát triển bất động sản sẽ thương thảo với người dân để mua lại nhà cũ để duy tu, sửa chữa, xây mới.
Vì thế, ông Nghĩa đề nghị có phương án duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn, bên cạnh sở hữu có thời hạn. Cùng đó, để người dân được lựa chọn giữa chung cư có thời hạn và dài hạn.
Tuy nhiên, cũng có đại biểu đề nghị quy định thời hạn sở hữu nhà theo thời hạn công trình thiết kế, để tránh tranh chấp, thuận lợi cho cải tạo chung cư cũ. Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng chung cư cũ hiện nay thấp tầng, phá dỡ xây cao tầng lên mới có mức sinh lợi, thu hút nhà đầu tư. Hiện cải tạo chung cư cũ vướng, do nguyên nhân xuất phát từ việc nhà chung cư được sở hữu không thời hạn.
Nhưng tương lai tất cả chung cư đều là cao tầng, khi phá dỡ không còn hệ số sinh lời nữa, lúc đó không nhà đầu tư nào dại gì bỏ tiền vào. Người dân ở nhà đó phải tự bỏ tiền ra cải tạo, sửa nếu muốn có nhà mới để ở. Tức là, đến một lúc nào đó nhà chung cư cao tầng khó có thể cải tạo, kể cả hết niên hạn.
Do đó, quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, theo Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, sẽ tránh tình trạng khó khăn phá dỡ, cải tạo chung cư cũ khi “một vài người không đồng tình vì đó là nhà thuộc sở hữu của họ”.
Dự kiến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp 6, cuối năm 2023.