Đa dạng hóa sản phẩm du lịch đêm: Bài toán cần lời giải sáng tạo
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về thực trạng phát triển sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, mỗi địa phương cần có sự sáng tạo và nghiên cứu kỹ lưỡng để phát triển du lịch đêm. Bộ VHTT&DL đã đưa ra Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm, nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về các địa phương trong việc triển khai các sản phẩm này.
Ông Hùng lấy ví dụ về việc TP Hồ Chí Minh đã phát triển phố đi bộ Nguyễn Huệ kết hợp với dòng sông Sài Gòn, tạo ra sản phẩm du lịch mới mẻ và thu hút. “Chúng tôi đã có khung và gợi ý cách làm, nhưng không thể làm thay cho địa phương”, ông khẳng định.
Di tích Cột cờ Hà Nội: Quản lý cần chặt chẽ và hiệu quả hơn
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) về di tích Cột cờ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, di tích nằm trong khuôn viên Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới.
Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, các di tích, di sản sau khi được cấp có thẩm quyền vinh danh, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, cụ thể là chính quyền địa phương trực tiếp quản lý. Như vậy, thẩm quyền chính (quản lý, bảo vệ) thuộc UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, Cột cờ Hà Nội có yếu tố lịch sử, có sự giao thoa (quản lý) với Bảo tàng Quân sự (Bộ Quốc phòng).
Hà Nội đang có phương án tiếp tục đầu tư, nâng cấp, tôn tạo di tích này, và Bộ VHTT&DL đã có công văn trả lời về ý kiến thẩm định và đề nghị thành phố sớm giải tỏa mặt bằng thông thoáng. Hy vọng với cách làm của Hà Nội và sớm thống nhất với Bộ Quốc phòng, di tích này sẽ được quản lý tốt hơn. Bộ tiếp tục theo dõi, đôn đốc để di tích này phát huy hiệu quả nhất giá trị.
Phát triển công nghiệp văn hóa: Hà Nội làm rất tốt, cần nhân rộng
Trong phần trả lời đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) về chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Hà Nội đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, đóng góp tích cực vào nền kinh tế và lan tỏa sức mạnh mềm. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và triển khai chiến lược cụ thể để thúc đẩy lĩnh vực này trên toàn quốc.
Đào tạo nhân lực văn hóa: Cần giải pháp quyết liệt và bền vững
Vấn đề thu hẹp đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật cũng được đưa ra thảo luận. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận rằng, nếu không có các giải pháp quyết liệt, một số bộ môn nghệ thuật truyền thống có thể sẽ bị mai một. Hiện Chính phủ đã có các chính sách ưu đãi như giảm học phí, khuyến khích học tập các bộ môn nghệ thuật truyền thống để giữ gìn hồn cốt văn hóa Việt Nam.
Phiên chất vấn đã kết thúc với những cam kết cụ thể từ Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, nhưng vẫn còn nhiều thách thức phía trước để các nhiệm vụ này được triển khai hiệu quả, đòi hỏi sự đồng lòng và quyết tâm của các địa phương trên cả nước.
Trọng Nhân
Nguồn: https://www.congluan.vn/bo-truong-bo-vhttdl-nguyen-van-hung-moi-dia-phuong-can-sang-tao-de-phat-trien-du-lich-dem-post308662.html