(Dân trí) – Báo cáo thật trước Quốc hội, tư lệnh ngành văn hóa thừa nhận việc HLV “cắt phế” tiền thưởng của VĐV, “chúng tôi biết hơi chậm, có thể nói là chậm nắm vấn đề và không biết”.
Nói về chủ trương thu hút du lịch qua sự kiện thể thao, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho biết chúng ta đã xây dựng một đường đua công thức 1 tại Mỹ Đình, Hà Nội, rất hoành tráng, hiện đại, nhưng bỏ không. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp khai thác đường đua này?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết công trình đường đua F1 do UBND Hà Nội là chủ đầu tư và triển khai xây dựng. Do nhiều lý do khách quan chủ quan, dự án đã hoàn thành nhưng không được triển khai nữa.
“Với tư cách là cơ quan phối hợp, Bộ Văn hóa đã bàn giao mặt bằng đất đai để làm, đã thực hiện theo đúng quy định. Đến thời điểm này, để biết chính thức đường đua đó có trở lại hoạt động hay không nhờ Hà Nội giúp trả lời”, Bộ trưởng Hùng phản hồi đại biểu.
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) đặt vấn đề du lịch đêm là hướng đi đúng đắn nhưng sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm giải pháp.
Theo Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, từ khi ban hành đề án thí điểm du lịch đêm ở một số địa phương đã nhận được tín hiệu tích cực. Như Hà Nội đã biết phát huy các giá trị di tích, di sản để làm nên sản phẩm, điển hình nhất là từ Văn Miếu – Quốc Tử giám thành Tinh hoa đạo học.
Ở Ninh Bình, từ Cố đô Hoa Lư có Đêm Cố đô Hoa Lư, quận 1 TPHCM có Sắc màu đêm Sài Gòn. Các sản phẩm này loại hình văn hóa, phố đi bộ, thưởng ngoạn nghệ thuật đường phố, đáp ứng được một phần nhu cầu của khách.
“Đây là vấn đề mới và khó, không chỉ một ngành làm được. Bởi du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp nhiều ngành”, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.
Để giải bài toán căn cơ này, Bộ trưởng đề xuất các địa phương nghiên cứu một số giải pháp, trong đó quy hoạch khu phát triển kinh tế đêm.
Ông Hùng nhận định quy hoạch là vấn đề quan trọng vì các khu vực đều có người dân ở xen kẽ, “làm thế nào để bên này hoạt động, bên kia người dân vẫn được ngủ”.
Ngoài ra, đề án này còn cần quan tâm đến lực lượng lao động, không chỉ là những người bán hàng mà còn cả lực lượng bảo vệ an ninh trật tự “bảo vệ cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi”.
Cùng với đó là chế độ chính sách cho những người làm, người biểu diễn.
Nhấn mạnh công tác nghiên cứu thị trường, ông Hùng cho biết kinh tế đêm nhiều nơi không làm thì thiếu, nhưng làm xong có khi bỏ lại. Nhiều địa phương phát triển du lịch đêm nhưng chỉ được một thời gian, sau đó khách không đến nữa.
Dẫn ví dụ khu ẩm thực của Hà Nội trước đây rất sầm uất nhưng giờ không có khách nữa, Bộ trưởng cho biết hướng tiếp cận là các địa phương cần chủ động nghiên cứu, Bộ VH-TT&DL sẽ tham gia, gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để thiết kế, tạo thêm trải nghiệm cho du khách; xem xét nhu cầu mở thêm các cửa hiệu mua sắm, đưa thêm các gói sản phẩm.
“Muốn làm được thì phải dựa trên các yếu tố về quy hoạch. Tôi biết nhiều chuyên gia kinh tế đã về các địa phương để làm nhưng cũng đang khó và đang nỗ lực, chứ không đơn giản để ngày một ngày hai”, ông Hùng cho biết.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đặt vấn đề về những tiêu cực trong lĩnh vực thể thao được dư luận phản ánh thời gian qua, điển hình như việc vận động viên tố huấn luyện viên “cắt phế” tiền thưởng. Đại biểu muốn biết giải pháp của Bộ trưởng cho tình trạng này?
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận đây là điều nhức nhối của ngành, dù chỉ là 2 sự việc cá biệt, đó là vấn đề tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn tại Trung tâm Thể thao Hà Nội được tổ chức tại khu Mỹ Đình và vấn đề tiền thưởng của đội thể dục dụng cụ.
Ông Hùng cho biết khi phát hiện đã kiên quyết xử lý và làm nghiêm theo quy định, với tinh thần không có ngoại lệ.
“Chúng tôi cũng thông tin, cung cấp cho cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm”, ông Hùng khẳng định không bao che, dung túng cho vi phạm. Theo ông, đây cũng là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện.
“Báo cáo thật” trước Quốc hội, tư lệnh ngành văn hóa thừa nhận “việc này chúng tôi biết hơi chậm, có thể nói là chậm nắm vấn đề và không biết”.
Ông nói thêm ban đầu, khi thành lập quỹ với mục đích tốt đẹp để góp tiền thăm hỏi nhau khi ốm đau, cho việc cưới hỏi, ma chay; cái đó dù theo quy định là trái phép nhưng nếu quản lý chặt chẽ thì không có tiêu cực.
Song thực tế, vì có tình trạng lạm dụng nên đã xuất hiện tiêu cực và Bộ Văn hóa đã cho rà soát tình trạng này.
Giải pháp đầu tiên Bộ trưởng Hùng nhắc đến là yêu cầu bổ sung quy định về quản lý đội tuyển, trong đó có từng điều khoản từ tập luyện đến công tác quản lý.
Hai là tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm. Lâu nay chỉ kiểm tra chất lượng đào tạo chứ ít kiểm tra về chế độ chính sách.
Giải pháp thứ ba, theo ông Hùng, cần công khai, minh bạch ngay từ đầu, thông báo các em được bao nhiêu tiền ăn, tiền thưởng để các em biết và quản lý, nghiêm cấm lập quỹ dù có mục đích tốt đẹp.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) nêu hiện tượng thương mại hóa, lạm dụng trẻ em tại vùng cao, như việc nhiều trẻ em rất nhỏ biểu diễn, nhảy múa dưới trời mưa rét để xin tiền du khách, nhiều em nhỏ mấy tháng tuổi đã bị mẹ địu trên lưng mang ra chợ xin tiền.
“Chúng tôi có hỏi thì các em không được đi học, quyền trẻ em không được bảo vệ”, đại biểu Dung nêu băn khoăn và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp gì để bảo tồn được văn hóa đồng bào?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định đó là hành vi trái luật. Hành vi này xảy ra ở đâu thì địa phương ở đấy phải quản lý.
Ông Hùng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc xây dựng các khu chợ văn minh, giữ được văn hóa. Trẻ em thực sự có năng khiếu thì địa phương phải đưa vào đơn vị năng khiếu để đào tạo, trở thành nghệ nhân.
“Bộ cũng có một phần trách nhiệm, nhưng Bộ không phải là cấp xử lý vấn đề này. Khi phát hiện được các nội dung nêu trên, chúng tôi sẽ có văn bản trao đổi với các địa phương”, tư lệnh ngành văn hóa chia sẻ.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho biết sau đại dịch, Chính phủ và Quốc hội quan tâm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi bằng chính sách tài khóa tiền tệ, bố trí 300 tỷ đồng cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Tuy nhiên, đến nay số kinh phí này vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng và tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý quỹ. Ông Cường đề nghị Bộ trưởng nêu nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, 300 tỷ đồng này không phải quỹ để hỗ trợ phát triển, mà theo Luật Du lịch, số tiền này gọi là vốn điều lệ, được áp dụng theo Quyết định số 49 do Thủ tướng ban hành.
Trong đó quy định vốn điều lệ được bảo tồn, phát triển bằng cách gửi ngân hàng, bảo tồn nguồn vốn đó, phần lãi được dùng làm chi phí cho tổ chức bộ máy.
Còn kinh phí chi cho xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp, thông qua tỷ lệ phần trăm các hoạt động của ngành du lịch (như phí, vé) và được Nhà nước thu lại.
Theo ông Hùng, số tiền 300 tỷ đồng được chia làm hai phần, mỗi phần 150 tỷ đồng. Theo đó, 150 tỷ đồng được nhận trước đã được gửi vào ngân hàng, số lãi chi cho hoạt động của bộ máy theo đúng quy định và sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước. Số tiền còn lại được lưu giữ ở Kho bạc.
Hiện Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo để củng cố, kiện toàn đội ngũ quỹ, tiếp tục đề xuất cơ quan có thẩm quyền phối hợp để hình thành, thiết lập các quỹ theo quy định vì đây là mô hình mới (mô hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập).
“Có những vướng mắc nhưng tinh thần chung là sẽ quyết liệt hơn, sắp xếp lại bộ máy, vận động lại, và nếu cần thiết sẽ báo cáo đánh giá tác động để xem xét, đề xuất sửa đổi quyết định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và phê duyệt điều lệ hoạt động của quỹ này, phục vụ tốt hơn hoạt động quảng bá du lịch”, ông Hùng nói.
Đại biểu Trần thị Thanh Hương (An Giang) nêu thực trạng tổ chức hoạt động văn hóa cho đồng bào dân tộc chưa hiệu quả do thiếu các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Bên cạnh đó, việc chưa khác thác hiệu quả các thiết chế sẵn có cũng là một nguyên nhân.
Đại biểu hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để thu hút nguồn lực đầu tư thiết chế mới và sử dụng hiệu quả thiết chế hiện hữu.
Trả lời đại biểu Hương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận điều đại biểu phản ánh rất đúng. Chúng ta đang có tình trạng “không xây thì đang thiếu, nhưng xây thì sử dụng như thế nào cho hiệu quả”.
“Thời gian tới, giải pháp căn cơ là nhận thức rõ bất cập về thể chế. Thiết chế văn hóa là tài sản công, vậy trong luật được khai thác thế nào, cần bàn rõ”.
Vừa qua, Bộ Văn hóa đã tổ chức thành công hội thảo khoa học về vấn đề thể chế chính sách trong chính sách văn hóa, từ đó đã đề xuất thêm, ban hành nhiều văn bản để phát huy hiệu quả đầu tư và sử dụng thiết chế văn hóa.
“Thiết chế văn hóa là điều kiện cần và đủ để hình thành môi trường văn hóa. Đầu tư thiết chế văn hóa là việc cần, chúng ta phải làm”, Bộ trưởng Hùng chia sẻ.
Theo tư lệnh ngành văn hóa, thiết chế văn hóa cho đồng bào dân tộc còn có đa chức năng, đa mục tiêu. Ở vùng cao, khu đất rộng nhất còn là nơi họp tổ đảng, họp chi bộ, họp nhân dân, nơi vui chơi, ca hát, tổ chức đám cưới theo nếp sống mới.
Bộ trưởng cho rằng thời gian tới cần huy động nhiều nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa, trong đó có nhân dân đóng góp.
Đại biểu Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) cho biết sự độc đáo của bản sắc văn hóa là giữ chân du khách. Tuy nhiên hiện nay, một số công trình, sản phẩm du lịch có dấu hiệu lai căng, sao chép, thu hút được một nhóm khách nhưng lâu dài có hệ lụy, mất dần bản sắc văn hóa của dân tộc.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thời gian qua, Thủ tướng xác định sản phẩm du lịch phải độc đáo, giá cả phải cạnh tranh, môi trường du lịch phải văn minh.
5 tháng đầu năm, ngành du lịch đã đón 7,6 triệu lượt khách quốc tế.
“Ở đâu đó có vài sản phẩm cá biệt, chúng tôi sẽ cho kiểm tra. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá khắt khe, nên nhìn đó như sự giao lưu, tiếp thu về văn hóa chứ không phải bắt chước, làm theo”, Bộ trưởng Hùng chia sẻ.
Nữ đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về du lịch di sản nhưng nhiều điểm đã bị khai thác quá tải.
“Ý kiến của Bộ trưởng thế nào về mối quan hệ giữa bảo tồn phát triển di sản văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội”, nữ đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết vừa qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm di tích, di sản, coi đây là báu vật thiên nhiên ban tặng. “Trách nhiệm của chúng ta là bảo tồn, phát huy các di sản đó”, ông nói.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng, Luật Di sản sẽ được Quốc hội ban hành sớm nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, biến di sản thành tài sản, nhưng không làm bằng mọi giá, không đánh đổi.
Ông cũng nhấn mạnh chính quyền địa phương nơi được giao quản lý di tích, di sản phải có chương trình bảo vệ, phát huy di tích, di sản.
Giải pháp, theo Tư lệnh ngành Văn hóa, là phải tôn trọng cam kết bảo vệ di tích, di sản để không có tình trạng lợi dụng, khai thác, làm xấu đi hình ảnh của di tích, di sản.
“Di tích, di sản khi được công nhận, tôn vinh cần được khai thác, biến thành tài sản”, ông Hùng tái khẳng định và cho biết nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quốc Quân (Long An) về phát huy, bảo tồn nghệ thuật truyền thống, Bộ trưởng VH-TT&DL cho biết đây cũng là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, làm sao để các loại hình nghệ thuật truyền thống được lưu giữ, được truyền dạy cho con cháu mai sau, để vừa phát triển vừa giữ được bản sắc dân tộc.
“Quả thực câu chuyện này không phải đơn giản”, Bộ trưởng Hùng thẳng thắn.
Theo ông, khi đang tinh gọn bộ máy, các đoàn nghệ thuật truyền thống ở các địa phương đang có nguy cơ khép lại; các đoàn nghệ thuật ở cấp trung ương để có thể tiếp tục đào tạo, huấn luyện, cũng rơi vào khó khăn bởi cơ chế tự chủ hoặc tự chủ một phần. Trong khi đó vẫn phải đảm bảo điều kiện hoạt động từ sáng tác đến nghệ thuật biểu diễn, khâu đào tạo.
Ông Hùng đánh giá sức hút từ nghệ thuật truyền thống chưa nhiều. Bộ môn tuồng, chèo, cải lương còn khó khăn trong công tác tuyển dụng.
Để phát triển lâu dài, Bộ trưởng VH-TT&DL nêu giải pháp tập trung đào tạo năng khiếu, tiếp tục đào tạo loại hình này theo hướng nghệ thuật đỉnh cao, tham mưu ban hành chính sách trong đó không nên thực hiện tự chủ để loại hình này được phát triển.
Cụ thể, ông cho rằng trung ương sẽ thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng có tính chất đỉnh cao, còn địa phương theo khả năng, điều kiện thì khuyến khích phát triển các loại hình theo hướng tập trung phát triển chính sách cho nghệ nhân.
“Bởi nghệ nhân ở địa bàn chính là người giữ hồn, giữ lửa, như nghệ nhân hát bài chòi, dân ca, quan họ. Việc lan truyền trong cộng đồng dân cư cũng là cách để gìn giữ, bảo tồn”, ông Hùng nói.
Cùng với đó là tập trung kết nối với du lịch, coi sản phẩm du lịch phải dựa trên tài nguyên văn hóa. Để tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thông qua đó giải quyết bài toán kinh tế trong văn hóa, có điều kiện để ngành này phát triển.
Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đặt vấn đề đa số các vận động viên thường chung nỗi lo làm gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu, bởi thời gian thi đấu đỉnh cao thường ngắn. Sau khi giải nghệ, chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang công tác huấn luyện.
Chính vì nỗi lo tương lai hậu thi đấu, nhiều vận động viên đành từ bỏ đam mê thể thao.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp đảm bảo tương lai cho vận động viên sau giải nghệ, đặc biệt là các vận động viên gặp chấn thương.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến thể thao, nên Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã tập trung lãnh đạo công tác thể thao, sau đó Chính phủ đã có chiến lược, đề án thực hiện.
Chính phủ đã ban hành 8 chính sách bao gồm 7 chính sách Trung ương và 1 chính sách ở địa phương để hỗ trợ vận động viên, ưu tiên giải quyết việc làm, tiền thưởng trong thi đấu. Các chính sách đã được triển khai và được áp dụng toàn quốc, qua đó góp phần động viên đội ngũ vận động viên đạt thành tích cao.
“Tuy nhiên, đúng như đại biểu chia sẻ, để giải pháp việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên sau thi đấu đỉnh cao còn nhiều khó khăn”, ông Hùng thừa nhận.
Theo Bộ trưởng, trình độ đào tạo và nghề nghiệp của nhiều vận động viên chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian, hoặc nghề nghiệp đó cũng chưa hẳn thích hợp với nhiều vận động viên. Về lâu dài, không phải tất cả vận động viên đều được trở về để làm huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước quản lý.
Vì vậy, ông Hùng cho rằng phải nhận thức tiếp tục đổi mới hơn cách tiếp cận, để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau.
“Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ phối hợp với bộ ngành để tập trung đánh giá tổng thể tác động hệ thống chính sách vừa qua, từ đó đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho vận động viên để tập trung, yên tâm thi đấu, sau đó được phát triển ngành nghề theo đúng sở trường của mình”, ông Hùng cho biết.
Theo đó, phương án đề xuất bao gồm các chính sách về tiền lương, phụ cấp đặc thù, nhất là chính sách về nhà ở, đào tạo nghề sau quá trình thi đấu.
Chiều 5/6, Quốc hội bắt đầu đầu chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trước đó, Bộ Văn hóa đã có báo cáo 27 trang nêu chi tiết các vấn đề liên quan. Ông đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Tư lệnh ngành văn hóa trong 3 vấn đề. Khi cần thiết, chủ tọa sẽ mời Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng một số bộ, ngành liên quan giải trình thêm.
Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ đây là dịp để Bộ báo cáo Quốc hội những kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Ông khẳng định có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Từ chuyển biến về nhận thức, theo ông Hùng, sẽ dẫn đến chuyển biến về hành động.
Dẫn điều tra dư luận xã hội học của Ban Tuyên giáo Trung ương do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội thu thập và xử lý thông tin, Bộ trưởng Văn hóa báo “có một tín hiệu khá vui mừng” khi được về việc phát triển văn hóa con người Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước hay chưa. Theo đó tỷ lệ này đã tăng 32%, từ 43% năm 2019 lên 75% năm 2024.
“Điều này cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực về lĩnh vực này”, ông Hùng nói.
Dù vậy, Tư lệnh ngành văn hóa thừa nhận ngành vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và có nhiều hạn chế trong công tác. Toàn ngành cũng ý thức phải quyết tâm, nỗ lực, cố gắng cao hơn để tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, xử lý tốt mối quan hệ giữa mong muốn xã hội với chức năng nhiệm vụ của ngành, giữa mục tiêu cần thực hiện với nguồn lực còn hạn hẹp hiện nay.
“Với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, chúng tôi muốn được lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội và xin được trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm”, ông Hùng chia sẻ.
Từ vị trí điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông báo trên bảng điện tử có 89 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Tư lệnh ngành Văn hóa.
Chiều 5/6, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tư lệnh ngành Văn hóa trả lời các nhóm vấn đề:
+ Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao
+ Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm
+ Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Chia lửa” với ông Hùng có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng một số bộ ngành liên quan cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trong báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận các chính sách đãi ngộ đối với vận động viên thể thao ở Việt Nam còn hạn chế.
Chế độ tiền lương đối với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia theo Nghị định số 152 của Chính phủ còn thấp (vận động viên đội tuyển quốc gia được hưởng 7.020.000 đồng/tháng).
Theo ông, tiền lương đối với vận động viên thể thao thấp dẫn tới khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao.
Để khắc phục hạn chế nêu trên, ông Hùng cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thể dục, thể thao, trong đó bao gồm các cơ chế đặc thù đối với đối tượng là các vận động viên thể thao…
Về du lịch, báo cáo đánh giá công tác phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19 đã đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tổng thu từ du lịch năm 2023 ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch. Tính đến hết tháng 4, tổng thu từ du lịch đạt 273.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm với trọng tâm là hoạt động du lịch đêm, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Song thực tế, ông thừa nhận vẫn thiếu các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đêm; sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, quy hoạch không gian riêng cho du lịch đêm, nhận thức về phát triển du lịch đêm còn hạn chế…
Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Văn hóa cho biết tới đây sẽ phối hợp với các tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch,
Cơ quan có thẩm quyền và các địa phương sẽ tập trung xây dựng quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch đêm; phát triển các mô hình sản phẩm du lịch đêm theo các hình thức tuyến phố đi bộ, chợ đêm, không gian du lịch đêm linh hoạt, tổ hợp giải trí đêm riêng biệt…
Ông Hùng cũng nhấn mạnh chủ trương khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển các sản phẩm, các chương trình trình diễn nghệ thuật sáng tạo, ẩm thực truyền thống, đặc sản vùng miền, các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt quy mô lớn, đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-thua-nhan-cham-nam-bat-viec-huan-luyen-vien-cat-phe-tien-thuong-20240604221135062.htm