Giải trình, làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã nêu một số giải pháp để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, thổi giá trong đấu giá quyền sự dụng đất.
1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn là một phần nhỏ bé
Chiều 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đồng tình với các ý kiến đã nêu về những tồn tại trong quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội (NƠXH), có tình trạng mất cân đối cung cầu.
Số lượng NƠXH còn thấp, có nơi đã xây dựng nhưng chưa đưa vào sử dụng, nhiều nhà ở tái định cư đang để lãng phí, nhà ở thương mại đang được tập trung đầu tư nhiều hơn.
Phó thủ tướng nêu rõ, theo Hiến pháp, không chỉ có đối tượng chính sách, mà toàn bộ người dân có quyền sử dụng nhà ở; công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang… đều cần được thụ hưởng chính sách, nên 1 triệu căn NƠXH vẫn là một phần nhỏ bé.
Việc hoàn thiện các khâu điều tra, đánh giá nhu cầu đối với NƠXH, mở rộng các đối tượng thụ hưởng để mọi người dân đều tiếp cận được NƠXH là việc cần thiết. Cùng với đó, cần triển khai cụ thể ở từng địa phương công tác liên quan đến chiến lược, quy hoạch nhà ở, trong đó có NƠXH, nhà ở đô thị, nhà ở thương mại.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ mở rộng, tạo quỹ đất xây dựng NƠXH, rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư để chuyển sang NƠXH. Đẩy mạnh cải cách, rút gọn, tinh giản quy trình thủ tục hành chính, mở rộng các đối tượng thụ hưởng, tăng khả năng tiếp cận NƠXH.
Đồng thời, sử dụng phối hợp nhiều biện pháp để giữ giá NƠXH ở mức hợp lý để đảm bảo nâng cao hiệu quả phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Giá đất trong bảng giá chưa được điều chỉnh kịp thời
Báo cáo về tình hình triển khai thi hành Luật đất đai năm 2024, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đỗ Đức Duy cho biết, Chính phủ, các bộ ngành đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai kịp thời ban hành và có hiệu lực đồng thời.
Tuy nhiên, còn nhiều địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp là người sử dụng đất.
Về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ trưởng TN&MT cho biết tại một số địa phương, tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá.
Nguyên nhân bao gồm do quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được công khai, minh bạch. Một số đối tượng tham gia đấu giá chủ yếu vì mục đích đầu cơ, không phải nhu cầu thực. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chủ động tạo quỹ đất để đấu giá; giá đất trong bảng giá đất chưa được điều chỉnh kịp thời.
Từ những nội dung trên, ông Duy cho biết, Bộ TN&MT cũng đã đề xuất các giải pháp như: Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất; rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá.
Đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc; Tăng cường biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà, đất ở có giá cả hợp lý. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Phát triển NƠXH là trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên
Báo cáo một số nội dung liên quan đến công tác phát triển NƠXH, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển NƠXH trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp.
Trong đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH giai đoạn 2021-2030, kết quả thực hiện chưa đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp; nhiều địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển NƠXH.
Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển NƠXH. Xác định phát triển NƠXH là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.
Đưa chỉ tiêu phát triển NƠXH vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, hàng năm của từng địa phương. Phát triển đa dạng các loại hình NƠXH để có thể mua, thuê, thuê mua nhà lưu trú, tăng tỷ lệ NƠXH cho thuê.
Ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, các quy định pháp luật vừa được thông qua liên quan đến phát triển NƠXH; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến phát triển NƠXH; thúc đẩy triển khai các dự án NƠXH tại các địa phương.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-tai-nguyen-va-moi-truong-neu-cach-dep-dau-co-thoi-gia-dat-192241028160215352.htm