Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, công tác tham mưu cải cách chính sách tiền lương được thực hiện theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, bao trùm và đến nay đã đạt được thành công lớn.
Sáng 8-7, tại TP.HCM, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Cải cách tiền lương là phần việc gian nan
Phát biểu mở đầu hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Trà – bộ trưởng Bộ Nội vụ – cho biết thời gian qua ngành nội vụ đã tập trung xây dựng thể chế, chính sách, cải cách tiền lương, tổ chức bộ máy, công tác quản lý nhà nước.
Rõ nét là từng địa phương đã tham mưu cho ngành nội vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đóng góp cho sự ổn định và phát triển hệ thống chính trị cấp cơ sở.
Bên cạnh đó bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Theo bà Trà, đây là phần việc gian nan nhất, khó khăn nhất và cũng là thành công ngoạn mục nhất của ngành.
Công tác này được thực hiện theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, bao trùm và hiệu quả.
“Đối với công tác này, đến phút 89 chúng ta vẫn chưa hiểu sẽ thực hiện theo cách nào.
Nhưng cuối cùng, việc cải cách chính sách tiền lương trở thành niềm vui lớn cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong lĩnh vực công, trên 50 triệu người hưởng lương cơ sở và nhiều đối tượng khác”, bà Trà nói.
Tinh giản 3.853 cán bộ, công chức, viên chức bộ ngành, địa phương
Ông Trương Hải Long – thứ trưởng Bộ Nội vụ – cho biết thời gian qua các bộ ngành, địa phương đã tích cực sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó đã giảm 10 chi cục, phòng và đơn vị tương đương thuộc UBND các tỉnh và giảm 8 phòng và tổ chức tương đương thuộc UBND cấp huyện.
Bộ Nội vụ cũng hướng dẫn các bộ ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế gắn với phê duyệt vị trí việc làm.
6 tháng đầu năm, các bộ ngành và địa phương đã tinh giản được 3.853 người (107 nhân sự bộ ngành và 3.746 nhân sự địa phương).
Đồng thời 100% bộ ngành và địa phương hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm.
Bộ cũng tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, kịp thời thay thế, đình chỉ công tác đối với cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong 6 tháng đã có 1.338 nhân sự tại các bộ ngành, địa phương bị kỷ luật (trong đó có 139 cán bộ, 432 công chức, 767 viên chức).
Bộ đã tuyển dụng thêm 13.965 công chức, viên chức. Tuyển dụng 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Bộ cũng tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài như Pháp và Nhật Bản.
Cử 94.437 công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức vụ, chức danh và vị trí việc làm.
53 tỉnh thành đã hoàn thiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cũng cho biết có 53 tỉnh thành đến nay đã hoàn thiện phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Trong đó cấp huyện sắp xếp 49 đơn vị, dự kiến giảm 12 đơn vị; cấp xã sắp xếp 1.247 đơn vị, dự kiến giảm 624 đơn vị.
Tuy nhiên việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã một số địa phương còn chậm.
Việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh tự chủ đạt kết quả hạn chế nên số biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước khó giảm 10% theo nghị quyết của trung ương và quyết định giao của Bộ Chính trị.
Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và niềm tin của doanh nghiệp, người dân.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bo-truong-noi-vu-cai-cach-tien-luong-gian-nan-nhung-thanh-cong-nhat-cua-nganh-20240708091742958.htm