Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam cần xây dựng thể chế số, hạ tầng số, niềm tin số. Phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải thực hiện quản trị số và đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và thu hút nhân tài số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Ảnh: MIC
Kinh tế số có tốc độ tăng trưởng gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số. Kinh tế số đặc trưng bởi giao dịch online, một thế giới ảo, không giấy tờ, không tiền mặt.
Mọi doanh nghiệp đều sử dụng thương mại điện tử, công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra dịch vụ mới, công việc mới. Người lao động có kỹ năng số để làm việc. Người dân tự tin và an toàn sử dụng các dịch vụ số.
Chính phủ cung cấp dịch vụ công online, dễ dùng, sử dụng dữ liệu để dịch vụ đáp ứng nhu cầu cá thể hoá của người dân. Chính phủ tạo ra môi trường sống, làm việc online, tạo ra niềm tin trong nền kinh tế số.
Kinh tế số của Việt Nam là một trong 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia, bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Việt Nam xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công nghiệp hoá là chuyển đổi số lĩnh vực chế biến, chế tạo. Hiện đại hóa là chuyển đổi số toàn diện, cả kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và môi trường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số của Việt Nam là toàn dân và toàn diện. Mục tiêu phổ cập số được xác định là quan trọng. Việt Nam có gần 100.000 tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn bản để hướng dẫn người dân chuyển sổi số.
Chuyển đổi số là phát triển nhanh vì tạo ra kinh tế số có tốc độ tăng trưởng gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP. Chuyển đổi số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên hơn, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu.
Chuyển đổi số làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc. Chuyển đổi số là phát triển bao trùm vì bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, nếu có sóng di động và điện thoại thông minh là có thể tiếp cận được mọi dịch vụ số, không ai bị bỏ lại phía sau.
Bảo vệ sự thịnh vượng trên không gian mạng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, quốc gia nào muốn thịnh vượng thì đều phải thịnh vượng trên không gian mạng. Phát triển kinh tế số Việt Nam thì cần xây dựng thể chế số, hạ tầng số, niềm tin số. Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và thu hút nhân tài số.
Muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới, cần động lực mới. Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
Dữ liệu là tài nguyên lớn nhất của kinh tế số. Sự giàu có của quốc gia trong tương lai được thể hiện qua dữ liệu.
Kinh tế số không đứng riêng mà là một nền kinh tế tích hợp, đứng trong nền kinh tế thực, tích hợp vào nền kinh tế thực, làm cho nền kinh tế thực hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Kinh tế số và kinh tế thực bổ trợ nhau chứ không thay thế nhau.
Cái mới bao giờ cũng cần thể chế mới. Đó là thể chế số. Thể chế số đóng vai trò kiến tạo phát triển số. Nó đảm bảo các hoạt động, giao dịch số được hợp pháp và được luật pháp bảo vệ.
Bộ trưởng Bộ TTTT cho rằng, cái mới bao giờ cũng đi với các nguy cơ mới. Bởi vậy, đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng, cũng như các giải pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực của công nghệ số là một phần của chiến lược chuyển đổi số, kinh tế số. Việt Nam phải bảo vệ được sự thịnh vượng của mình trên không gian mạng.
Mục tiêu của phát triển kinh tế số là làm cho người dân giàu có hơn. Mục tiêu của phát triển xã hội số là làm cho người dân hạnh phúc hơn nhờ công nghệ số. Đây là mục tiêu quan trọng, bất biến trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo, phải được sử dụng một cách đúng đắn, có đạo đức để hướng tới thực hiện những mục tiêu vì con người.
Laodong.vn