Sáng 6/12, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần thứ 5.
Xem xét 70 hồ sơ phong tặng nghệ nhân
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngày 19/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ (Nghị định số 43) thay thế cho Nghị định số 123/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ (Nghị định số 123).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc cuộc họp Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần 5. Ảnh: Cấn Dũng |
Ngày 19/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1010/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần thứ 5 (Hội đồng). Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những cá nhân có đủ điều kiện tiêu chuẩn để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và đề nghị Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” đối với lĩnh vực thủ công mỹ nghệ lần thứ 5.
Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, theo quy định của Nghị định số 43 và điều khoản chuyển tiếp việc xét tặng lần này đối với các cá nhân về đối tượng và tiêu chuẩn theo Nghị định số 123, gần một năm qua, cấp địa phương và cấp bộ đã xem xét để đề xuất lên Hội đồng cấp Nhà nước. Điều khoản chuyển tiếp Nghị định số 43 cho phép xét những đề xuất của Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng cấp bộ theo tinh thần Nghị định số 123 và ở Hội đồng cấp Nhà nước xét theo tinh thần của Nghị định số 43 mới ban hành tháng 4/2024.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần 5. Ảnh: Cấn Dũng |
Tại cuộc họp, đại diện cơ quan thường trực, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương – đã báo cáo về việc thụ lý hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần thứ 5.
Cụ thể, về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, Hội đồng cấp tỉnh đề nghị xét cho 22 người; Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xét, đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng cho 10 người.
Xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, Hội đồng cấp tỉnh đề nghị xét cho 69 người; Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xét, đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng cho 60 người, trong đó, xét truy tặng cho 1 trường hợp.
Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Cấn Dũng |
Tổng số hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, xét tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần thứ 5 được Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xét, trình Hội đồng cấp Nhà nước tại Tờ trình số 763/TTr-BCT là 70 hồ sơ. Trong đó, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” 10 người; hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” 59 người; hồ sơ đề nghị xét truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” 1 người.
Ông Ngô Quang Trung cũng thông tin, trong kỳ xét tặng danh hiệu năm 2024, các tỉnh, thành phố, địa phương có số lượng hồ sơ nhiều nhất, gồm: Hà Nội 31 hồ sơ; Thanh Hóa, Quảng Nam mỗi tỉnh 6 hồ sơ; Bắc Ninh 5 hồ sơ…
Có 24 nghề thủ công mỹ nghệ đề nghị xét tặng, gồm: Điêu khắc, mây tre, gốm, đúc đồng, mộc, đắp phù điêu, thêu, sơn mài, tranh dân gian, sơn son thiếp vàng, đan thủ công. Gốm là nghề thủ công mỹ nghệ đề nghị xét nhiều nhất với 10 hồ sơ, tiếp đến là nghề đúc đồng 7 hồ sơ.
Tiếp tục xem xét, hoàn thiện các quy định xét công nhận
Tại cuộc họp, sau khi xem xét kỹ lưỡng hồ sơ đề nghị xét tặng, các thành viên Hội đồng đã đánh giá cao công tác tổ chức của cơ quan thường trực, bám sát và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật hiện hành. Các trường hợp đề nghị xét tặng danh hiệu cụ thể rõ ràng, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Cấn Dũng |
Đại diện các thành viên Hội đồng cũng cho rằng, kỳ xét chọn danh hiệu nghệ nhân năm 2024 còn thiếu vắng nghệ nhân đến từ vùng sâu, vùng xa, nghệ nhân là người dân tộc thiểu số. Do đó, cần mở rộng hơn nữa đối tượng xét chọn; đặc biệt là tìm kiếm thêm nghệ nhân trẻ để vừa kế thừa các di sản của thế hệ tiền bối, đồng thời thể hiện sự sáng tạo mạnh mẽ.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, qua thảo luận, các thành viên Hội đồng có ý kiến cần đổi mới cách xét chọn để tôn vinh đúng, trúng, kịp thời, phản ánh thực chất, đa dạng đóng góp của các nghệ nhân cao tuổi. Có thể họ không đủ các tiêu chí theo quy định hiện hành nhưng thực chất có đóng góp rất lớn cho xã hội, hay ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều người tài giỏi cần được phát hiện, tôn vinh.
“Ý kiến này rất xác đáng, đổi mới cách tuyển chọn, phát hiện. Điều này không chỉ rất quan trọng với các cá nhân trong cuộc mà còn có giá trị xã hội lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Ông Dương Trung Quốc – Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng – đóng góp ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Cấn Dũng |
Theo Bộ trưởng, từ đổi mới cách phát hiện, tuyển chọn, chúng ta cũng mạnh dạn đề xuất với Nhà nước điều chỉnh kịp thời các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện là cần thiết mới có thể phát hiện và tôn vinh kịp thời các cá nhân điển hình tiên tiến. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu và có cơ chế hỗ trợ xây dựng quảng bá sản phẩm của nghệ nhân nhằm lan toả ra xã hội, biến danh hiệu trở thành giá trị vật chất đủ lớn. Điều này sẽ đóng góp lớn cho kinh tế đất nước, ví dụ như du lịch hay xuất khẩu tại chỗ, đồng thời là cách quảng bá thương hiệu và đất nước con người Việt Nam rất tốt. Đồng thời, hỗ trợ để nghệ nhân tiếp tục say mê truyền nghề tốt hơn, hiệu quả hơn.
Ông Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng – phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Cấn Dũng |
Cục Công Thương địa phương tiếp thu ý kiến này để xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm, tập trung hỗ trợ nghệ nhân truyền nghề rộng rãi ra cộng đồng. Cùng với việc tôn vinh, cần làm tốt công tác truyền thông để lan tỏa giá trị và ảnh hưởng của danh hiệu với các nghệ nhân. Truyền thông có giá trị nhiều mặt, một là động viên về mặt tinh thần với các nghệ nhân, đồng thời còn là kênh giám sát hữu hiệu.
Về băn khoăn của thành viên Hội đồng đối với xét tặng danh hiệu theo Nghị định số 123 hay Nghị định số 43, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích rõ, quá trình xét để đề xuất danh hiệu nghệ nhân diễn ra từ đầu năm, Nghị định số 43 có hiệu lực vào tháng 5/2024 không thể xem xét áp dụng. Quá trình xét tặng diễn ra ở thời điểm giao thoa, do đó, quy định cho phép với các cá nhân được xem xét theo Nghị định số 123, Hội đồng lập theo Nghị định số 43.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng lưu ý, trích yếu trong hồ sơ cần rà soát lại từ ngữ cho đúng để không phải chỉnh sửa sau công bố.
Theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần thứ 5, thành phần Hội đồng gồm 11 thành viên, trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên – Chủ tịch Hội đồng; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch Hội đồng… Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Hội đồng. Hội đồng có Tổ Thư ký giúp việc do Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập và được sử dụng con dấu của Bộ để giải quyết công việc. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. |
Nguồn: https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-chu-tri-hop-hoi-dong-cap-nha-nuoc-xet-tang-danh-hieu-nghe-nhan-thu-cong-my-nghe-362795.html