(MPI) – Ngày 07/12/2024, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế – xã hội 11 tháng đã khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, nhất là trong những tháng gần đây đã đạt nhiều kết quả tích cực, phản ánh niềm tin, sự đồng lòng của Nhân dân đối với các chủ trương của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, tự tin bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn |
Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế tin tưởng và đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của nước ta, cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, điển hình như sự kiện ký kết giữa Chính phủ và Tập đoàn NVIDIA gần đây.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, thể hiện qua các kết quả nổi bật như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân có xu hướng giảm dần, 11 tháng tăng 3,69% so với cùng kỳ. Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường thế giới. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn; thu NSNN 11 tháng ước đạt 106,3% dự toán, tăng 16,1% so với cùng kỳ trong bối cảnh đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 189 nghìn tỷ đồng thuế, phí, tiền sử dụng đất; cả năm ước vượt 10% dự toán.
Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 11 tháng tăng lần lượt 15,3%, 14,4% và 16,5% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 23,03 tỷ USD. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.
Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch. Sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; 11 tháng tăng 8,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 đạt 50,8 điểm, tiếp tục cho thấy xu hướng tăng trưởng công nghiệp tích cực. Công nghiệp có thể tiếp tục tăng cao trong tháng 12 nhờ nhu cầu tiêu dùng cuối năm và Tết sắp tới.
Tính chung 11 tháng, có 218,5 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (173,2 nghìn doanh nghiệp), cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế.
Các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực. Tính chung 11 tháng, tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng khoảng 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8%; khách quốc tế khoảng 15,8 triệu lượt người, tăng 41%. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của nước ta thuộc nhóm dẫn đầu thế giới .
Quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật với tư duy đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, thông thoáng hơn, nhất là các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; đồng thời tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn từ thực tiễn, đáp ứng mong đợi của người dân, doanh nghiệp và yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam và NVIDIA đã ký kết mở Trung tâm Nghiên cứu và phát triển, Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mở rộng việc làm cho nhân lực trong nước. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á.
Cùng với đó, chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân; Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy; phát triển công nghiệp văn hóa đạt một số kết quả rõ nét. Ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; tình hình an ninh, trật tự cơ bản ổn định; Đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai chủ động, toàn diện, hiệu quả, có những bước tiến đột phá trong ngoại giao về công nghệ, mở ra các cơ hội hợp tác, hướng phát triển mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là từ bên ngoài. Khối lượng công việc tháng cuối năm là rất lớn, các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm cao nhất để giải quyết các nhiệm vụ tồn đọng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ phát sinh; khai thác hiệu quả xu hướng sản xuất, tiêu dùng dịp cuối năm để tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 7% và trên 7%.
Về những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt nghiêm, thực hiện toàn diện, hiệu quả hơn nữa các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chào mừng Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của từng bộ, cơ quan như tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8; ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của các Luật.
Triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm tiến độ và chất lượng theo yêu cầu.
Hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ, công việc của năm 2024; ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch để tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm 2025, tạo đà tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.
Cùng với đó, tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư.
Theo đó, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản; rà soát, sửa đổi ngay các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho cá nhân kinh doanh, phù hợp với sự phát triển của thương mại điện tử. Trước mắt, xem xét sửa đổi Luật Doanh nghiệp để bổ sung quy định về mô hình cá nhân kinh doanh.
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, bảo đảm nguồn cung và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025.
Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực, động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường… Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, hỗ trợ nhà ở cho người có công. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, bão lũ, hỗ trợ người dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai.
Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hội nhập quốc tế, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế; tổ chức triển khai cụ thể, thiết thực, hiệu quả các FTA đã ký kết, kết quả các chuyến thăm, làm việc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế với các nước, gắn với phát triển các hành lang kinh tế thế hệ mới về tăng trưởng kinh tế, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển xanh, bền vững, bao trùm. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; hoàn thiện quy định về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-12-8/Bo-truong-Nguyen-Chi-Dung-tinh-hinh-kinh-te–xa-hoi014h1.aspx