(MPI) – Ngày 28/5/2024, tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định công bố Quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định, tặng hoa chúc mừng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Ảnh: TTXVN |
Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình là sự kiện quan trọng nhằm công bố rộng rãi các nội dung của Quy hoạch tỉnh, đồng thời tiếp tục mở rộng tầm nhìn và khát vọng, mong muốn đưa Ninh Bình đến gần với các nhà đầu tư để chia sẻ, hợp tác và cùng nhau biến các tiềm năng, thế mạnh, mục tiêu, ý tưởng thành hiện thực, giúp tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, hài hòa trong thời gian tới.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Về phía tỉnh Ninh Bình có Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cùng lãnh đạo các sở, ngành có liên quan của tỉnh.
Phát biểu khai mạc và báo cáo nội dung quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, tỉnh Ninh Bình luôn xác định quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo ra cơ sở pháp lý, có tính khoa học, thực tiễn để định hướng phát triển.
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 04/3/2024, có 4 Điều với 13 Nội dung, cùng với hệ thống sơ đồ, bản đồ; trong đó, có một số nội dung quan trọng. Theo đó, về Quan điểm phát triển: Kiên định theo hướng “Xanh, Bền vững và Hài hòa”; lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại làm động lực cho phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ; phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; tăng trưởng kinh tế luôn gắn với phát triển văn hóa – xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; coi trọng phát triển văn hóa; tăng cường liên kết vùng và mở rộng hợp tác quốc tế.
Về mục tiêu, chỉ tiêu và tầm nhìn: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; tầm nhìn đến năm 2050 là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới.
Ông Phạm Quang Ngọc cho biết, quy hoạch xác định “ba nền tảng”, “bốn trụ cột” phát triển kinh tế và “7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá”. Theo đó, “Ba nền tảng”, gồm: Giá trị văn hóa – con người – thiên nhiên Ninh Bình, nhất là tinh hoa văn hóa Cố đô, nguồn nhân lực chất lượng cao và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp; Hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, thông minh, kết nối, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng dịch vụ, hạ tầng đô thị, hạ tầng “xanh”; Thể chế quản trị địa phương cho phát triển, nhất là năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, liêm chính công vụ.
“Bốn trụ cột” phát triển kinh tế, đó là: Phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa là mũi nhọn; Phát triển công nghiệp công nghệ cao, lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực; Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; Phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ.
“7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá”, gồm: Phát triển công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại cùng phát triển chọn lọc một số ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường. Phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Phát triển toàn diện văn hóa – xã hội. Tập trung bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị Di sản Cố đô Hoa Lư và giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Tổ chức không gian, phân vùng chức năng hợp lý; phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, giữa đô thị và nông thôn; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất. Thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ, kinh tế sáng tạo; Tập trung phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn trở thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới; Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Quy hoạch xác định 3 vùng chức năng, với Vùng trung tâm có vai trò động lực, đột phá phát triển, là thành phố Hoa Lư (trên cơ sở hợp nhất thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư hiện nay) và thành phố Tam Điệp; 3 Hành lang phát triển gắn với các công trình hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm, trọng tâm của quốc gia và của tỉnh cùng với hành lang ven biển phát triển theo trục kết nối vùng duyên hải Việt Nam.
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Ninh Bình hoạch định chính sách, triển khai các nhiệm vụ, tổ chức sắp xếp không gian lãnh thổ, phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh; nhằm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Triển khai thực hiện Quy hoạch, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức công khai Quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tập trung rà soát, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh để đảm bảo thống nhất với nội dung Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện với tinh thần, quyết tâm cao nhất, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong Quy hoạch đã đề ra.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, trên chặng đường khai mở, giải phóng và phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để hiện thực hóa các mục tiêu đưa tỉnh Ninh Bình phát triển với kinh tế thịnh vượng, xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc; tỉnh Ninh Bình mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự ủng hộ, hướng dẫn, giúp đỡ của các Ban, Ủy ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các tỉnh, thành phố; các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; sự đồng hành, tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình cũng cần Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội có những cơ chế, chính sách đặc thù, phân cấp, giao quyền, để tạo điều kiện cho tỉnh Ninh Bình thúc đẩy nhanh hơn việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, định hướng xây dựng Đô thị di sản, trung tâm công nghiệp văn hóa gắn với di dời người dân ở vùng lõi Di sản, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư, giá trị toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; xây dựng cảng hàng không tại tỉnh Ninh Bình để phục vụ xây dựng thành phố du lịch, đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại làm động lực cho phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, hội nhập sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện đề án lấn biển, tiếp tục mở rộng không gian phát triển của tỉnh Ninh Bình./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-5-28/Bo-truong-Nguyen-Chi-Dung-tham-du-Hoi-nghi-cong-bohjx5lr.aspx