Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ chiều 23/5, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết không “tô hồng” những kết quả kinh tế-xã hội đạt được, song cũng không bi quan, mà nên tập trung vào việc nhận diện những thách thức lớn để từ đó đề ra các giải pháp trong nửa cuối của năm.
Điểm mặt 3 thách thức lớn
Tình hình kinh tế xã hội trong những tháng đầu năm được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao nhất cho đến năm 2029.
Tuy nhiên, đánh giá về tình hình chung của cả năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra ba điểm thách thức, đó là vấn đề già hoá dân số đang diễn biến khá nghiêm trọng; biến đổi khí hậu tác động rất mạnh từ Đồng bằng sông Cửu Long đến khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo còn chuyển biến chậm, chưa là động lực để thúc đẩy nền kinh tế.
“Đây là những vấn đề mấu chốt và là ba vấn đề thách thức cả trong ngắn hạn và dài hạn, do đó phải tập trung tìm giải pháp để khắc phục” ,Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chưa phục hồi như kỳ vọng, thị trường vàng có nhiều diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, tình trạng giá máy bay tăng cao gây ảnh hưởng đến thị trường du lịch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn chung của thế giới. Trong khi đó, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu và thương mại. Mặt khác, nền kinh tế đang chuyển đổi, cơ cấu lại nên có những khó khăn từ nội tại và độ trễ.
4 giải pháp hóa giải
Về nhiệm vụ trong thời gian sắp tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 4 giải pháp. Thứ nhất là tập trung vào những giải pháp đã đề ra trong ngắn hạn và có tính đến dài hạn.
Thứ hai là tập trung vào đẩy mạnh ba động lực (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu) cũng như đẩy mạnh các động lực mới (chuyển đổi nền kinh tế, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…), trong đó Việt Nam cần tập trung vào các ngành công nghiệp mới có điều kiện tham gia sâu hơn, như chip bán dẫn.
Thứ ba là đẩy mạnh đào tạo nguồn lực, đẩy nhanh các dự án đầu tư công quan trọng.
Thứ tư là vấn đề thể chế, như có thể cho áp dụng hiệu lực Luật Đất đai từ ngày 1/7 (sớm hơn 6 tháng), để tháo gỡ các ách tắc cho thị trường bất động sản. Ngoài ra, cải thiện thể chế còn có nghĩa là giải quyết các ách tắc, vướng mắc hiện nay đồng thời bổ sung và điều chỉnh đồng bộ một số luật cần thiết, tạo điều kiện để cán bộ dám nghĩ dám làm; cải cách thêm nữa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư mạnh hơn, trong đó đẩy mạnh phân cấp, bỏ xin cho.
“Tôi đề nghị phải báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương, báo cáo Quốc hội và Chính phủ đánh giá lại các cơ chế chính sách đặc thù cho một số địa phương đã ban hành và áp dụng. Nếu chính sách đúng, trúng và hiệu quả thì nên nhân rộng cho các địa phương khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, giúp khơi thông nguồn lực.
“Chúng ta chỉ cần giải quyết nhanh cho các dự án đang bị tắc, khơi thông được là đã thúc đẩy rất nhiều cho nền kinh tế, tạo niềm tin và nguồn lực mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã bố trí cho Đồng bằng sông Cửu Long 13 dự án vay ODA (không nằm trong danh mục) với tổng số tiền gần 2,5 tỷ USD, tức gần 70.000 tỷ đồng. Số tiền này tương đương với khoảng 2/3 nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu Quốc gia đang làm, cộng thêm phần đã tăng trong kế hoạch trung hạn để hoàn thiện khép kín toàn bộ đường ven biển.
“Việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc khắc phục cả hạn mặn, chống biến đổi khí hậu, mở rộng không gian kinh tế, quốc phòng-an ninh…“, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Nguồn: https://vtcnews.vn/bo-truong-nguyen-chi-dung-4-giai-phap-de-thuc-day-nen-kinh-te-ar872963.html