Ngày 21/7, tại Thừa Thiên Huế, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, từ nay đến tháng 10, Bộ tham mưu cho Trung Ương tổng kết nghị quyết Trung Ương 5, khóa 11 về chính sách xã hội và ban hành chính sách, chủ trương mới về chính sách xã hội năm 2030, tầm nhìn 2045.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh định hướng đến năm 2030, Việt Nam là quốc gia tiên phong về vấn đề an sinh xã hội và việc làm.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần nâng cao năng lực dự báo cung cầu lao động. Xây dựng thị trường lao động ổn định, bền vững, bao trùm, hiện đại, linh hoạt và hội nhập.
Bộ trưởng cũng nêu, năm 2022-2023 thị trường biến động rất nhanh, do có một nguyên nhân là người lao động “nhảy việc”. Do vậy, phải dự báo đúng cung và cầu gắn với vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và theo dõi sát tình hình, chủ động điều tiết thị trường lao động.
Trong đó, sẽ lựa chọn 3 vấn đề có tính đột phá và chiến lược.
Trước hết là hình thành và phát triển nhanh thị trường lao động đúng nghĩa và thị trường lao động sẽ là một trong 5 thị trường căn bản của kinh tế thị trường.
Thứ hai, xóa nhà tạm cho người nghèo. Đến năm 2025, phải giải quyết căn bản 100.000 căn nhà cho người nghèo. Đến năm 2030, hoàn thành đề án, cả nước không còn người nghèo, nhà tạm và hình thành 1 triệu căn hộ giá rẻ cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ ba, tập trung những vấn đề cốt lõi, nền tảng của cơ chế về an sinh xã hội, chính sách xã hội trọng tâm y tế, giáo dục.
Hơn 1 triệu người có công được trợ cấp 14.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm, ngành tiếp tục nỗ lực tổ chức thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Toàn ngành đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,1 triệu đối tượng, với kinh phí 6 tháng đầu năm khoảng 14.000 tỷ đồng, trợ cấp 100 tỷ đồng cho 2.332 người…
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng được đẩy mạnh. Đời sống người có công và thân nhân người có công không ngừng được cải thiện, nâng cao hơn.
Về các chính sách giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, trợ giúp xã hội được chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Năm 2023, kinh phí thực hiện chương trình đã phân bổ từ ngân sách Trung ương là hơn 12.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương là hơn 900 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, đã giải ngân hơn 1.800 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương là hơn 81 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn cũng được quan tâm, tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói.
Cùng với đó, các chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, nghiên cứu, hoàn thiện xây dựng chính sách về công tác cai nghiện ma túy; phòng, chống mại dâm và phòng, chống mua bán người cũng được quan tâm.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương thảo luận, đưa ra các giải pháp tăng cường theo dõi diễn biến tình hình lao động, việc làm, các vấn đề an sinh xã hội, mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Thị trường lao động vẫn còn hiện tượng mất cân đối cung – cầu
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bối cảnh kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm có nhiều khó khăn song thị trường lao động nhìn chung tương đối ổn định, các chỉ số vẫn có sự tăng trưởng nhẹ.
Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 867 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,71%. Lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng hơn 900.000 người so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực.
Các địa phương cũng đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm. Cả nước có 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thời gian dịch bệnh.
Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, tăng gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập bình quân của lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thị trường lao động hiện nay phát triển chưa bền vững, vẫn còn hiện tượng mất cân đối cung – cầu lao động, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế.
Cơ chế kết nối cung – cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Chất lượng lao động còn hạn chế.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng chậm. Tình trạng mất việc, cắt giảm việc làm khiến lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao.