Chiều qua, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách) tranh luận với Bộ trưởng Hầu A Lềnh việc sử dụng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa ổn khi ngoài giải ngân rất thấp (chỉ đạt 4.600 tỷ đồng, 51%) thì một phần không nhỏ được giải ngân cho hội thảo, tập huấn.
Bà Mai dẫn chứng hội thảo bình đẳng giới chi hết 64 tỷ đồng, tư vấn quan hệ hôn nhân tốn 102 tỷ, kiểm tra hội thảo hết 88 tỷ; nhưng xây dựng mạng lưới cơ sở chỉ đạt 38 tỷ. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện như vậy có hợp lý hay không?”, bà Mai hỏi.
Giải trình sáng nay, ông Hầu A Lềnh nói dự án của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thực hiện bình đẳng giới, giải quyết vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, được bố trí 2.382 tỷ đồng. Số tiền này để thực hiện nhiều nội dung như tập huấn, tuyên truyền, truyền thông.
Trên cơ sở nguồn ngân sách và nhiệm vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tập trung vào truyền thông và tập huấn giai đoạn đầu. Các hoạt động khác sẽ tổ chức vào giai đoạn tiếp theo. “Đây là nguồn vốn của Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp chứ không phải chỉ ở Trung ương”, ông Lềnh nói, cho biết các hoạt động này không trái quy định pháp luật.
Ông cho biết nghị quyết 120 của Quốc hội đặt ra mục tiêu tập trung nguồn lực ưu tiên cho các địa phương. Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã thiết kế 10 dự án, phân cấp thẩm quyền điều hành cho địa phương. Trung ương sẽ ban hành văn bản hướng dẫn và kiểm tra, giám sát, xử lý khó khăn, vướng mắc.
Giai đoạn này Quốc hội đã bố trí 104.000 tỷ đồng, trong đó 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư công và 54.000 tỷ vốn sự nghiệp. Vốn sự nghiệp chủ yếu dùng để giải quyết chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân hưởng các chính sách từ giai đoạn 2016-2020 còn hiệu lực. “Đây là đặc thù của chương trình này chứ không phải bất hợp lý”, ông nói.
Về hệ thống văn bản, giai đoạn 2022, các bộ ngành cơ bản ban hành theo thẩm quyền được Chính phủ giao. Tuy nhiên, ông Lềnh thừa nhận khi ban hành văn bản hướng dẫn có vấn đề nảy sinh là văn bản giữa các bộ ngành quy định tiêu chuẩn định mức, quy định chuyên ngành còn mâu thuẫn, chồng chéo. Điển hình là thông tư của Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc có nội dung chưa thống nhất “chứ không phải là không phù hợp với quy định pháp luật”, ông Lềnh nói và cho biết đang rà soát để sửa các văn bản này.