Phát biểu tại buổi Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các giáo viên, giảng viên nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn điểm lại một số thành tựu ngành Giáo dục đạt được trong những năm qua, đó là tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi trên 16 đạt trên 97%, hoàn thành mục tiêu phổ cập cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và THCS, giáo dục phổ thông xếp thứ 53 trên thế giới, nhiều năm liền có mặt trong top 10 các quốc gia tham dự Olympic quốc tế.
“Có được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm đầu tư của toàn xã hội, cùng sự nỗ lực của các thầy cô giáo và toàn thể học sinh, sinh viên”, Bộ trưởng nói.
Tuy vậy, giáo dục còn đang đứng trước nhiều thách thức lớn như giải quyết vấn đề kiên cố hóa trường học, chỗ học cho học trò, việc đảm bảo đủ số lượng tối thiểu giáo viên. Bên cạnh đó là thách thức trong việc đảm bảo công bằng tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền; phát triển công bằng giữa hệ thống giáo dục công và tư; bạo lực trực tuyến; phụ huynh và các cấp quản lý còn quá nặng thành tích khiến trẻ em khổ nhọc.
Theo Bộ trưởng Sơn, thách thức lớn nhất với giáo viên và ngành Giáo dục là từ bên trong, từ chính quá trình đổi mới giáo dục, thách thức của đổi mới, vượt lên chính mình.
“Đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần hoán cốt từ bên trong, hướng tới giáo dục phát triển con người toàn diện, tạo ra công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới nền giáo dục phải thay đổi thói quen, lối tư duy, cách nghĩ và cách làm cũ, vượt qua các giới hạn để phát triển bứt phá”, người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.
Để giáo dục vượt qua những thách thức đó, đội ngũ các thầy cô giáo cần nỗ lực vô cùng lớn và sáng tạo không ngừng, giải pháp trúng, đúng. Đồng thời ngành Giáo dục cần quan tâm lớn hơn nữa của Đảng, Nhà nước, để quốc sách hàng đầu thực sự là hàng đầu trong các quốc sách, cần quan tâm thiết thực hơn, kịp thời hơn.
Bộ trưởng GD&ĐT nhận định, giáo dục nước nhà đang đứng trước đòi hỏi lớn và vận hội lớn. Sứ mệnh được giao càng lớn, yêu cầu và kỳ vọng càng cao thì càng đòi hỏi đổi mới nhanh hơn, nâng cao nhanh hơn. Đất nước muốn phát triển nhanh để trở thành nước phát triển có thu nhập cao, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, phẩm chất tốt, năng lực tốt, thể chất tốt, kỹ năng tốt, ngoại ngữ tốt, đặc biệt là nhân lực cho các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới.
Giáo dục toàn thế giới đứng trước thách thức bởi sự bùng nổ về tri thức, trí tuệ nhân tạo, người máy, internet vạn vật, dữ liệu lớn, siêu máy tính, trường học ảo, với các phương pháp và công cụ sư phạm mới. Những nhân tố mới xuất hiện khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự tồn tại của trường học và vai trò những người thầy trong tương lai.
Chúng ta cần đối mặt với thách thức, không lảng tránh, không sợ hãi đứng vững trên nền tảng của khoa học giáo dục và bản lĩnh của người thầy để đón nhận những điểm lợi thế của thời đại, tranh thủ lợi thế, để phát triển nhanh hơn. Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người, vai trò nhà giáo không thể thay thế.
Với trí tuệ nhân tạo và các phương tiện số mới, chúng ta cần coi chúng là những công cụ sắc bén và hữu hiệu mới. Công cụ và vũ khí càng sắc bén lợi hại, thì càng cần người sử dụng chúng có năng lực tư duy cao hơn, kỹ năng tốt hơn để chế ngự, để sử dụng.
Theo Bộ trưởng, thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần củng cố, trang bị cho người học những điều cơ bản nhất, nền tảng nhất về tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương và cái đẹp, thêm vào đó là những năng lực và kỹ năng mới của thời đại.
“Đổi mới giáo dục ở chặng đường tiếp theo về thực chất là sự đổi mới ở chiều sâu của chính lực lượng nhà giáo. Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục, giới hạn của nền giáo dục chính là giới hạn phát triển của một quốc gia. Nhà giáo chúng ta cần biến những giới hạn trở thành không giới hạn”, Bộ trưởng kỳ vọng.
Các nhà giáo, các bậc tri thức dứt khoát cần phải trả lời câu hỏi: làm thế nào để đáp lại sự phó thác, tin tưởng, giao trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân? Sự báo đáp của người trí thức xưa nay vẫn phải và nên theo tinh thần ơn nước một bầu cần đáp lại bằng cả dòng sông.
Nhắc lại lời chỉ đạo của Tổng Bí Thư Tô Lâm, Bộ trưởng GD&ĐT nói, vai trò của lực lượng nhà giáo, là “đầu tầu”, lực lượng quan trọng nhất quyết định tới giáo dục.
Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới toàn thể học sinh, sinh viên cả nước nỗ lực học tập, phấn đấu không ngừng. “Chính các em đã làm nên các thành tích của giáo dục và sự thành công, sự lớn mạnh của các thầy cô. Không có học sinh ắt không có gì để thầy làm được thầy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thời đại tự do dân chủ và bình đẳng, các em không cần co ro, nhỏ bé, sợ hãi tự ti trước những người thầy, đặc biệt là các bậc thầy lớn, nhưng cũng không được “cá mè một lứa”, làm vỡ nát truyền thống tôn nghiêm của đạo thầy trò. Các em cần tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tích cực thể hiện và khẳng định bản thân trong học tập, nhưng lại vẫn phải giữ lễ, kính trọng những người thầy.
Nguồn: https://vtcnews.vn/bo-truong-gd-dt-thach-thuc-lon-nhat-cua-thay-co-la-doi-moi-vuot-len-chinh-minh-ar908032.html