Tại hội thảo về hạnh phúc trong giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói đến ‘tinh thần tự do’ mà người học cảm thấy đạt đến như một trong những yếu tố giúp tạo nên trạng thái hạnh phúc cho người học.
Tại Hệ thống trường TH School (Hà Nội) hôm nay 23.11, đã diễn ra hội thảo quốc tế chủ đề “Hạnh phúc trong giáo dục”. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tham dự và có những chia sẻ về cách làm thế nào để người học có nhiều hạnh phúc trong học tập.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một cộng đồng những người hạnh phúc chỉ có thể được tạo ra bởi một nền giáo dục hạnh phúc. Đây cũng chính là định hướng lớn mà Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo triển khai trong toàn ngành với những mức độ và phương thức khác nhau ở các bậc học và các đối tượng. Trong đó, nhân tố nội tại, nhân tố chủ động của người học, được xác định là nhân tố cốt lõi và quyết định của hạnh phúc trong giáo dục.
Những yếu tố giúp hình thành những trạng thái hạnh phúc cho người học trong hoạt động giáo dục, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đầu tiên là chí hướng, khát vọng, quyết tâm. Để người học đạt được nhiều niềm vui sướng và hạnh phúc trong việc học, cần giúp người học đặt mục tiêu học tập cho đúng đắn, cho lớn, cho sâu, cho rộng…. để có động cơ từ bên trong của sự phấn đấu và đạt tới hạnh phúc.
Chí càng lớn, vấp ngã càng dễ vượt qua, cái vất vả càng trở nên nhỏ bé, khó khăn cũng không thể ngăn cản, và con đường tới hạnh phúc cũng thênh thang hơn.
Yếu tố khác, theo Bộ trưởng Sơn, là tinh thần tự do và tôn trọng tinh thần tự do. “Kiến giải cá nhân và sự suy nghĩ sâu sắc, khuyến khích văn hóa đọc, sự tranh luận, tôn trọng sự khác biệt trong lớp học, trong quá trình dạy học là quá trình khuyến khích người học bày tỏ quan điểm và cách đánh giá riêng… Đó là quá trình dạy học hướng người học tới sự sung sướng của chính quá trình học tập”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lập luận.
Không có trường học hạnh phúc chung chung
Tu dưỡng bản thân cũng là một yếu tố quan trọng, bởi tu dưỡng là gốc của việc học tập phát triển toàn diện và là gốc của việc đạt tới hạnh phúc. Người học biết tu dưỡng rèn luyện bản thân theo các chuẩn mực sẽ có cảm nhận đúng đắn về hạnh phúc về giá trị của hạnh phúc, về hạnh phúc chân chính.
“Thực chất thì cũng không có trường học hạnh phúc chung chung, trường học hạnh phúc chỉ đúng nghĩa chân chính khi hạnh phúc ở trường học đó phù hợp với các giá trị tích cực, các giá trị chuẩn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phân tích.
Vẫn theo ông Sơn, các yếu tố giúp người học đạt tới trạng thái hạnh phúc khi học còn nhờ thầy cô biết nêu vấn đề. Biết gợi dẫn, khuyến khích người học tự giải quyết vấn đề là yếu tố chuyên môn sâu xa. Yếu tố này hướng người học tìm thấy hạnh phúc và hứng thú trong việc học…
Học sinh được tự cảm nhận và đánh giá về sự tiến bộ của mình… Khi các em thấy mình tốt hơn ngày hôm qua, các em sẽ hạnh phúc. Nhưng tiền đề của hạnh phúc đích thực là khi các em có thái độ đúng và sống trong sáng, biết quan tâm tới người khác… Liên quan tới các yếu tố này là việc giáo dục phát triển trí tuệ cảm xúc hay năng lực cảm xúc, khả năng kiểm soát và bộc lộ cảm xúc… Đây là giáo dục cách để con người sống hạnh phúc, biết tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho mọi người.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, việc quan tâm xây dựng trường học hạnh phúc là điều quan trọng với các nhà giáo dục, giống như cách mà bà Thái Hương bày tỏ qua việc nỗ lực tạo dựng môi trường hạnh phúc ở Trường TH School.
“Người có ý tưởng chưa hẳn đã trực tiếp tạo ra một trường học hạnh phúc trong thực tế, nhưng từ trong ý tưởng đã không có thì không bao giờ có trong thực tế”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-truong-gd-dt-noi-ve-cac-yeu-to-tao-nen-hanh-phuc-trong-giao-duc-185241123111209335.htm