Tại tỉnh Hải Dương, cùng chủ trì buổi làm việc có đồng chí Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ; đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự buổi họp trực tuyến có đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; đồng chí Lê Văn Lương, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; cùng lãnh đạo các sở, ngành của 03 địa phương.
Tham gia đoàn công tác của Chính phủ có lãnh đạo đơn vị các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Lao động và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Uỷ ban Dân tộc; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phối hợp các Bộ ngành xử lý các kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc của địa phương
Phát biểu khai mạc tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành xử lý các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu với các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đến nay qua rà soát, cơ bản các kiến nghị của các địa phương, trong đó có 03 tỉnh Hải Dương, Lai Châu và Điện Biên, đã được các Bộ ngành trả lời và xử lý.
Bộ trưởng đánh giá cao sự nỗ lực vào cuộc của các Bộ, ngành nhằm tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất kinh doanh của địa phương, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước.
Trên tinh thần đó, tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị 03 địa phương cùng thành viên của đoàn công tác đến từ các bộ, ngành tập trung phát biểu và thảo luận về một số nội dung về các kết quả đạt được về phát triển kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024; những khó khăn vướng mắc và đề xuất kiến nghị với Đoàn công tác.
Bộ trưởng đề nghị thành viên Đoàn công tác nghiên cứu các kiến nghị và có ý kiến trả lời cụ thể cho các địa phương. Đối với các nội dung kiến nghị vượt thẩm quyền của các Bộ ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo.
Kiến nghị của địa phương được xử lý trên 90%
Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Ngọc Điệp thông tin về tình hình KT-XH của 03 tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Hải Dương tháng 9 và trong 9 tháng đầu năm 2024. Theo đó, một số chỉ tiêu kinh tế tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Giá trị sản xuất công nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; doanh thu du lịch; doanh thu vận tải; thu ngân sách trên địa bàn. Sản xuất nông nghiệp được duy trì và cơ bản đảm bảo mùa vụ, đa số các chỉ tiêu về sản lượng nông nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước; cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; diện tích trồng mới chè đã vượt kế hoạch năm, trồng mới rừng được tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục có chuyển biến tích cực, quan tâm thu hút đầu tư và đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp; số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại 03 tỉnh chưa đạt như mong muốn: Tỉnh Lai Châu (tính 15/9/2024 mới đạt 38,21% kế hoạch giao chi tiết, thấp hơn 0,34 điểm% so với cùng kỳ năm trước); Tỉnh Điện Biên (tính đến hết 31/8/2024 đạt 34,05% kế hoạch); Tỉnh Hải Dương (tính đến ngày 30/9/2024, tổng vốn NSNN đã giải ngân là 2.563 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,5%).
Về tình hình xử lý, kiến nghị của địa phương, ông Điệp cho biết, đến nay, Đoàn công tác đã làm việc trực tiếp, trực tuyến với 02 tỉnh Lai Châu và Điện Biên và có 06 báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả xử lý kiến nghị cho địa phương. Tính đến báo cáo số 241/BC-BTNMT (ngày 03/10/2024) về kết quả triển khai nhiệm vụ của Đoàn công tác và tình hình xử lý kiến nghị đối với 03 tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Hải Dương đã được các Bộ, ngành rà soát trả lời trên 90%.
Kiến nghị tháo gỡ về sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô; Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đã khái quát chung tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, công tác quản lý nhà nước về trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị tổng hợp một số đề xuất, kiến nghị bổ sung: 13 nội dung về lĩnh vực đất đai; 01 nội dung về lĩnh vực khoáng sản; 01 nội dung về lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; 03 nội dung về lĩnh vực công nghệ thông tin; 01 nội dung về giá sản phẩm dịch vụ công ích thuỷ lợi năm 2024
Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đề xuất, kiến nghị về các nội dung giao đất, cho thuê đất, thực hiện và áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024; kiến nghị các thành viên Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét nghiên cứu có hướng dẫn theo hướng cho phép chỉ thực hiện lập quy hoạch tổng mặt bằng đối với các lô đất có diện tích phù hợp (khoảng 1.000 m2 trở lên); hướng dẫn thực hiện hình thức lựa chọn chủ đầu tư đối với các dự án điện; quy định cây giống, con giống vật nuôi thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG; kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai các nội dung theo Thông tư số 55/2023/TT-BTC; Đề nghị Bộ Y tế sớm có lộ trình cụ thể về việc huỷ bỏ hoặc không dùng thẻ BHYT giấy khi tham gia khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nhằm tăng tỷ lệ khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp và ứng dụng VneID để thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ…
Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giao vốn để việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương; quan tâm nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm triển khai một số dự án quan trọng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu; kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành trung ương xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Lao động và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Uỷ ban Dân tộc; Bộ Tài chính… đã thảo luận, làm rõ và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ cho các địa phương.
Thay mặt cho các địa phương, đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tiếp thu các ý kiến xây dựng tại cuộc họp và sớm ban hành các văn bản, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thay mặt Đoàn công tác đánh giá cao những kết quả đạt được của 03 tỉnh Hải Dương, Lai Châu và Điện Biên trong 09 tháng đầu năm 2024, thể hiện qua một số chỉ tiêu kinh tế tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (tỉnh Hải Dương tăng 12,2%; tỉnh Lai Châu tăng 8% và Điện Biên tăng 22,96%); Giá trị sản xuất công nghiệp (tỉnh Hải Dương tăng 13,7%, tỉnh Lai Châu tăng 42,3%; tỉnh Điện Biên tăng 10,59%)… Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ ra vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, tập trung tháo gỡ trong thời gian tới, nhất là thúc đẩy đầu tư công. Đoàn công tác sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn hỗ trợ cho địa phương.
Về nội dung xử lý các đề xuất kiến nghị của địa phương, qua nội dung trao đổi tại buổi làm việc, các kiến nghị của địa phương đã được Thành viên Đoàn công tác đại diện cho các Bộ ngành có ý kiến giải đáp. Mặc dù có những ý kiến đã được giải đáp cụ thể, Đoàn công tác nhận thấy vẫn còn một số nội dung trả lời chỉ giải quyết được một phần hoặc chưa giải quyết được hết kiến nghị của địa phương.
Theo đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị đối với các kiến nghị đã được các Bộ, ngành hướng dẫn và trả lời cụ thể, đề nghị UBND các tỉnh tiếp thu để khẩn trương giải quyết các nhiệm vụ phát triển, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc tại địa phương.
Đối với các kiến nghị chưa được trả lời hoặc trả lời chưa rõ, Bộ TN&MT sẽ tổng hợp và đôn đốc các Bộ ngành tiếp tục nghiên cứu và đề nghị có ý kiến trả lời bằng văn bản. Với những kiến nghị vượt thẩm quyền, Đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo.
Đối với các kiến nghị về chính sách, cần phải sửa trong Luật hoặc Nghị định, Thông tư của các Bộ, ngành đề nghị UBND các tỉnh chủ động phối hợp với các Bộ ngành có ý kiến cụ thể khi xây dựng hoặc sửa đổi văn bản pháp luật chuyên ngành.
Đồng thời, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin những khó khăn, vướng mắc về Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Vụ Kế hoạch – Tài chính) để Bộ thay mặt Đoàn công tác của Chính phủ, tiếp tục đôn đốc các Bộ ngành liên quan xử lý.
Đối với những lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần đẩy nhanh việc ban hành các văn bản thực hiện Luật Đất đai theo thẩm quyền để Luật thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất kinh doanh và phát triển hạ tầng kỹ thuật của các địa phương.
Triển khai các nhiệm vụ đảm bảo các mục tiêu phát triển Kế hoạch 2024
Với thời điểm đang vào Quý III năm 2024, để đảm bảo các mục tiêu phát triển theo Kế hoạch và Chương trình công tác năm 2024, thay mặt Đoàn công tác, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các địa phương cần tập trung chỉ đạo các nội dung sau:
Đề nghị địa phương nghiên cứu, triển khai các Luật mới được ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giá, Luật Khám chữa bệnh… trong đó ban các văn bản quy định chi tiết thi hành thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh. Đối với Luật Đất đai, hiện nay Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều hội nghị để hướng dẫn các địa phương và sẵn sàng chia sẻ các tài liệu cho địa phương cùng làm và Bộ sẵn sàng hướng dẫn và hỗ trợ thêm.
Rà soát các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đối chiếu với các Nghị quyết của Chính phủ từ đó xem xét chỉ tiêu nào thấp thì điều chỉnh kịp thời nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển của địa phương góp phần với Chính phủ hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của cả nước theo Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành.
Tập trung nghiên cứu chỉ đạo triển khai Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời tập trung cho các công trình chiến lược, công trình khung, kết nối vùng, nhằm tạo động lực phát triển cho vùng, địa phương, thu hút các Nhà đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội.
Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, đảm bảo nguồn lực, hàng hóa, dịch vụ để phục vụ nhân dân, tránh thiếu hàng, làm tăng giá gây khó khăn cho người dân vào dịp cuối năm.
Chú trọng thực hiện các lĩnh vực văn hoá xã hội, tích cực quan tâm các gia đình chính sách, khó khăn trên địa bàn; giúp đỡ các gia đình và cộng đồng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3. Trong đó hai tỉnh Lai Châu và Điện triển khai đề án xoá nhà tạm, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Chăm lo phát triển kinh tế xã hội, đời sống đồng bào vùng cao, dân tộc thiểu số, thực hiện cácchương trình mục tiêu quốc gia.
Quan tâm, chăm lo và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để đảm bảo giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn của địa phương.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/bo-truong-do-duc-duy-lam-viec-voi-hai-duong-dien-bien-lai-chau-ve-thuc-day-dau-tu-san-xuat-tren-dia-ban-cac-tinh-381761.html