“Trung tâm Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động cần duy trì và phải lấy công tác huấn luyện, đào tạo về ATVSLĐ làm nhiệm vụ trọng tâm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Ngày 12/12, tại phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và đoàn công tác của Bộ đã tới thăm, làm việc với Trung tâm Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động.
Cùng đi có lãnh đạo các đơn vị: Cục Bảo trợ xã hội, Cục Trẻ em, Cục An toàn lao động, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng Bộ, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Báo Dân trí.
Trung tâm Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, thuộc Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), được thành lập từ năm 2004.
Hoạt động trong lĩnh vực huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); quan trắc môi trường lao động; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; đào tạo sơ cấp nghề ngắn hạn…, đến nay, Trung tâm là nơi tập trung đào tạo cán bộ nguồn, giảng viên về công tác ATVSLĐ.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận: Trong những năm qua, Trung tâm có nhiều đổi mới, tăng về số người, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động. Trung tâm đã tập trung thực hiện tốt chức năng huấn luyện, đào tạo về ATVSLĐ.
Là đơn vị có uy tín tốt, làm tốt chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ đảm bảo yêu cầu về ATVSLĐ cho nhiều doanh nghiệp, Tổng Công ty lớn trong nước và nước ngoài.
Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề tai nạn lao động, cháy nổ thời gian qua xảy ra phức tạp, khó lường. Một phần do nhiều doanh nghiệp, cơ sở chưa quan tâm đầu tư, còn tình trạng đối phó trong công tác đảm bảo ATVSLĐ.
Vì vậy, Trung tâm cần tiếp tục duy trì và phải lấy công tác huấn luyện, đào tạo về ATVSLĐ làm nhiệm vụ trọng tâm, vì đây là tính chất đặc thù riêng của đơn vị.
Đối với một số vướng mắc, kiến nghị của Trung tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao một số đơn vị của Bộ rà soát, báo cáo và xử lý dứt điểm trong thời gian tới để giúp Trung tâm vượt qua khó khăn, đảm bảo cơ sở vật chất tốt nhất cho công tác huấn luyện, đào tạo về ATVSLĐ.
Báo cáo nhanh với Bộ trưởng và đoàn công tác, ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Thực hiện nghiên cứu khoa học về công tác ATVSLĐ theo đặt hàng của Bộ, trong năm 2024, đơn vị đã cơ bản thực hiện xong phần việc bảo vệ thành công đề tài “Nghiên cứu xây dựng và áp dụng mô hình đánh giá rủi ro trong ATVSLĐ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam”.
Thực hiện việc đánh giá thực trạng công tác ATVSLĐ và tư vấn thực hiện các giải pháp về ATVSLĐ, xây dựng danh mục phương tiện bảo vệ cá nhân trang bị cho người lao động đối với các Tổ chức, Tập đoàn, Tổng Công ty…
Đặc biệt, trong năm, Trung tâm hỗ trợ Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và 22 đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty hoàn thành các nội dung và đã thực hiện triển khai áp dụng về ATVSLĐ.
Đồng thời, thực hiện các hoạt động đo, thử nghiệm, chứng thực các số liệu làm cơ sở dữ liệu cho việc ban hành văn bản quản lý Nhà nước liên quan đến danh mục nghề.
Hiện nay, Trung tâm đang duy trì các hoạt động quan trắc môi trường lao động để phục vụ xây dựng danh mục nghề cho các đơn vị, doanh nghiệp. Đào tạo đội ngũ giảng viên (người huấn luyện) ATVSLĐ, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác ATVSLĐ;
Đào tạo đội ngũ người lao động trình độ sơ cấp nghề công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, nhằm giúp người lao động nắm được các kỹ năng vận hành máy, thiết bị đảm bảo an toàn lao động tránh thương tật trong lao động sản xuất.
Năm 2024, Trung tâm tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ về ATVSLĐ cho các tổ chức, các đối tượng không có quan hệ lao động, doanh nghiệp vùng sâu vùng xa khi có yêu cầu; trợ giúp một số doanh nghiệp khi có yêu cầu do gặp khó khăn sau bão Yagi về công tác ATVSLĐ theo chức năng phục vụ quản lý Nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp về ATVSLĐ.
Giám đốc Nguyễn Thanh Hưng thông tin: Hàng năm, Trung tâm thực hiện huấn luyện, đào tạo cho tất cả các nhóm đối tượng theo quy định của Luật ATVSLĐ. Trung tâm hiện là đơn vị đáp ứng được tất cả các yêu cầu và trình độ huấn luyện cho các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Hàng năm, Trung tâm cũng thực hiện quan trắc môi trường lao động cho hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, với hàng nghìn điểm đo, mẫu đo, góp phần giúp doanh nghiệp xác định các yếu tố vệ sinh vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Qua đó, thực hiện tư vấn các khuyến nghị, giải pháp để người sử dụng lao động tham khảo, lựa chọn thực hiện nhằm cải thiện điều kiện lao động cho người lao động.
Thực hiện phân loại lao động theo điều kiện lao động cho nhiều doanh nghiệp với nhiều nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm. Việc phân loại lao động này giúp doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với người lao động theo quy định pháp luật.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm mở từ 6 – 10 lớp bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho hàng trăm học viên tại các địa phương. Thực hiện hiệu quả công tác giảng dạy, thực hành các máy thiết bị do Dự án KOICA (Hàn Quốc) tài trợ và Bộ LĐ-TB&XH đầu tư…
Tạp chí Lao động Xã hội
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/bo-truong-dao-ngoc-dung-lay-cong-tac-huan-luyen-dao-tao-lam-trong-tam-20241213115734577.htm