Tham gia đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh có: Chánh Văn phòng Bộ Phạm Tân Tuyến; Cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức; Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Trường Giang; Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Đặng Ngọc Điệp; Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất Chu An Trường; Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Hùng; Phó Chánh Thanh tra Bộ Vũ Văn Long…
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có: Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình; đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh Ninh Bình.
Trao đổi với Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường để hoàn chỉnh các dự thảo Luật trong đó là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Khoáng sản (sửa đổi) trên quan điểm vừa tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo của hiện tại vừa xây dựng các chính sách phân cấp, phân quyền mạnh mẽ xuống địa phương. Do đó Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn lắng nghe thêm ý kiến từ thực tiễn của Ninh Bình để các cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường bên cạnh việc phối hợp tháo gỡ khó khăn cho địa phương, đồng thời tiếp thu ý kiến xây dựng để hoàn thiện các chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự quan tâm, hướng dẫn, phối hợp, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Qua đó, đã đạt được những kết quả quan trọng: Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 25.081,5 tỷ đồng, tăng 7,56% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Khu vực nông – lâm – thủy sản ước tăng 2,38%, Khu vực công nghiệp – xây dựng ước tăng 1,41%; công nghiệp tăng 1,34% so với cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ tăng 15,72%…
Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được các cấp, các ngành quan tâm tăng cường; việc quản lý đất đai cơ bản đã vào nề nếp, việc sử dụng đất cơ bản được thực hiện đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, không còn tình trạng giao đất trái thẩm quyền. Công tác dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt về công tác đo đạc, chỉnh lý biến động đất đai sau dồn điền, đổi thửa, nhất là tháo gỡ khó khăn trong điều kiện các quy định mới về đất đai để kịp thời cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân.
Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Công tác thẩm định, cấp phép thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Không còn diễn ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, trú trọng, không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra được các cấp, các ngành chú trọng, qua đó đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời vi phạm pháp luật…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và Môi trường tại tỉnh Ninh Bình còn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng Bí thư Đoàn Minh Huấn đã điều hành cuộc họp để lãnh đạo các đơn vị Bộ Tài nguyên và Môi trường thảo luận, trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập và lắng nghe những ý kiến đóng góp từ các cấp cơ sở từ Ninh Binh, trong đó tập trung vào các vấn đề về chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, việc điều chỉnh thời gian sử dụng đất đối với một số dự án đã chấp thuật đầu tư và giao đất có thời gian sử dụng 70 năm theo Luật Đất đai 2013; hoàn thiện lại hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận QSD đất thực hiện công trình như nhà văn hoá thôn; thiếu quy định cụ thể hướng dẫn về việc quy đổi từ khoáng sản thành phẩm sang khoáng sản nguyên khai gây khó khăn cho việc áp dụng để tính thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; việc hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với một số mỏ khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng; nguy cơ ô nhiễm tại khu vực bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn; giá dịch vụ thấp gây khó khăn cho việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn…
Tham gia thảo luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết trong những năm vừa qua tỉnh Ninh Bình đã làm tốt công tác quản lý và bảo vệ môi trường góp phần vào thành tích phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, để tạo thuận lợi cho khách du lịch đến với Ninh Bình, Chủ tịch Phạm Quang Ngọc đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp với tỉnh xây dựng hệ thống quan trắc môi trường, khí tượng thủy văn và thông tin tự động thường xuyên tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn trân trọng cảm ơn đồng chí Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quan tâm dành thời gian về làm việc, lắng nghe ý kiến từ cơ sở.
Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cho biết, địa phương sẽ định hướng phát triển kinh tế – xã hội gắn với giá trị văn hóa lịch sử, sinh thái bền vững, do đó công tác quản lý về tài nguyên và môi trường được xác định là cốt lõi, trụ cột. Để Ninh Bình đạt được các mục tiêu đề ra sẽ phải có sự đồng hành của các Bộ, Ban, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục có những quyết sách kịp thời, tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh Ninh Bình.
Chúc mừng những kết quả phát triển kinh tế – xã hội ấn tượng của Ninh Bình trong đó nhấn mạnh năm 2023, là năm thứ hai tỉnh Ninh Bình tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương là 11%, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hỗ trợ Ninh Bình tháo gỡ các vấn đề phát sinh ở cơ sở trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường; tham mưu cho Chính phủ xem xét, ban hành những quyết sách sát với thực tiễn ở địa phương.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị tỉnh Ninh Bình cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề quy hoạch và sớm hoàn thành các quy hoạch tỉnh cũng như kế hoạch sử dụng đất.
Để phát triển Ninh Bình phát triển theo hướng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng đề nghị tỉnh xem xét, cân nhắc trong việc mở rộng, phát triển các khu, cụm công nghiệp, hạn chế khai thác khoáng sản, tăng cường phát triển rừng, có các kế hoạch bảo vệ tài nguyên nước.
Nhắc lại nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội giao cho Bộ để hoàn chỉnh các chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phải nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của tỉnh Ninh Bình, đồng thời mong muốn Ninh Bình tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi thường xuyên, đóng góp bổ sung vào các nội dung này.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cùng Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại Nhà máy xử lý nước thải trong Khu Công nghiệp Gián Khẩu, Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công.