Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ Công an; Ngoại giao; Kế hoạch và Đầu tư; Công thương; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tham dự còn có các chuyên gia, nhà khoa học: GS.TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS Trần Nghi, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội; GS.TS Cao Hữu Huần, nguyên Trưởng khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn An Thịnh, Trưởng khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Văn Quân, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường Biển.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn lắng nghe ý kiến từ lãnh đạo của các Bộ, ngành cũng như những đóng góp chuyên sâu của nhà khoa học, chuyên gia trong đó cùng nhau đánh giá thực trạng, tiềm năng để đưa ra những quan điểm, đồng thời xây dựng các khâu đột phá trong việc khai thác, sử dụng không gian biển cho các hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường trong thời kỳ quy hoạch.
Hướng tới mục tiêu sẽ tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển một cách hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ, ngành cũng như các nhà khoa học có kinh nghiêm chuyên sâu nghiên cứu, quy hoạch về biển như GS.TS Mai Trọng Nhuận, GS.TS Trần Nghi, GS.TS Cao Hữu Huần, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS Nguyễn An Thịnh, PGS.TS Nguyễn Văn Quân cùng nhau chỉ ra những vấn đề trọng tâm cần giải quyết như xây dựng thể chế chính sách thực hiện quy hoạch đồng bộ, thống nhất; phát triển văn hóa, xã hội từ biển; bảo vệ môi trường để phát triển bền vững kinh tế biển, đảo; phát triển các nguồn lực thực hiện quy hoạch…
Các đại biểu tập trung thảo luận về các khâu đột phá của Quy hoạch như bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội kết hợp với giữ vững quốc phòng an ninh, khai thác hợp lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái biển và ứng phó biến đổi khí hậu; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, hiện đại trên vùng đất ven biển, đảo, tạo nền tảng thu hút nguồn lực và thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển bền vững; Tạo điều kiện cho điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế biển mới…
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng đến mục tiêu toàn bộ các vùng biển Việt Nam được quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững theo không gian, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, sức chống chịu, sức tải môi trường, hệ sinh thái biển và hải đảo, hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển.