Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nối lưới hay không sẽ không được giao dịch mua bán, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.
Tại hội thảo chiều 4/5, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói trường hợp điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không nối lưới quốc gia sẽ không giới hạn phát triển. Còn trường hợp nối lưới sẽ không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (2.600 MW).
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công Thương nói cả hai hình thức đều không được giao dịch mua bán. “Dứt khoát phải như vậy”, ông nói, giải thích thêm rằng nếu phát sinh hoạt động mua bán, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ theo pháp luật hiện hành, gồm giấy phép hoạt động điện lực và các quy định khác.
Theo Bộ trưởng, loại hình này được xây dựng với nhiều cơ chế ưu đãi như được nối lưới, miễn giấy phép hoạt động điện lực, không phải điều chỉnh công năng đất. Do đó, nếu cho mua bán sẽ gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn.
Năng lượng mặt trời phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, khi không có bức xạ mặt trời (mây, mưa hoặc ban đêm), hệ thống vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện. Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn chạy nền (điện than, khí, thủy điện) không ổn định.
“Những nhà đầu tư nguồn chạy nền có chịu hy sinh lợi ích không?”, ông Diên nói, nhắc lại nếu cho mua bán có thể dẫn tới trục lợi chính sách, bởi nhóm này không phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
PGS Nguyễn Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Trường cơ khí Đại học Bách Khoa nói ủng hộ không có mua bán và thương mại trong phát triển điện mặt trời áp mái. Theo ông, việc đấu nối chỉ nên trong điều kiện hệ thống tự lắp đặt không đủ dùng, trong những giờ không có nắng, những hôm thời tiết không ủng hộ.
Ông dẫn thông tin Nhật Bản tổng công suất của năng lượng tái tạo trong lưới điện quốc gia qua 40 năm mới dao động ở tỷ lệ 30-40%. Nhưng Việt Nam chỉ mất 6 năm để đạt con số 28,5%. “Một áp lực khủng khiếp lên lưới điện quốc gia và không thể nào điều độ được”, ông Dũng phân tích.
Theo ông, toàn bộ hệ thống nhiệt điện hiện phải “chạy ép” để nhường lưới cho năng lượng tái tạo nhưng loại hình này lại bất ổn định, chỉ cần “một đám mây đi qua là lập tức nguồn điện tụt xuống ngay”. Điều này, theo ông Dũng sẽ làm cho hệ thống không ổn, ảnh hưởng an toàn lưới điện quốc gia.
Đồng tình, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho rằng “ghi nhận sản lượng giá 0 đồng” phù hợp trong bối cảnh chưa tính toán được toàn bộ lợi ích, chi phí và các hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu bán điện vào lưới.
Từ năm 2017, để khuyến khích năng lượng tái tạo, Chính phủ có cơ chế mua lại điện mặt trời mái nhà do người dân đầu tư với mức giá ưu đãi (giá FIT) 9,35 cent một kWh, sau đó giảm xuống 7,09 cent một kWh với các dự án chuyển tiếp. Chính sách này thúc đẩy người dân ồ ạt bỏ chi phí đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà để sử dụng và bán phần công suất dư thừa cho EVN.
Số liệu từ EVN cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020 – thời điểm chính sách giá FIT hết hiệu lực – trên cả nước có khoảng 101.029 công trình loại này được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới 9.296 MW. Sau thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư, người dân vẫn trông chờ một chính sách tương tự, để giúp các khoản đầu tư có thời gian hoàn vốn ngắn hơn.
Tại hội thảo hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói trong phạm vi của Nghị định cơ chế khuyến khích điện mặt trời tự sản tự tiêu, lúc này năng lượng dư thừa phát lên lưới được ghi nhận sản lượng giá 0 đồng, nhưng thời điểm khác sẽ có “tính toán hợp lý”.
Chuyên gia Hiệp hội năng lượng Việt Nam cũng đề xuất nhà chức trách có quy định cụ thể về thời gian áp mức giá 0 đồng này. Theo ông Tuấn chỉ nên duy trì chính sách này trong ba năm (2024-2027). “Sau đó, cần có cơ chế giá khác trong bối cảnh đang rất cần bổ sung thêm nguồn”, ông nói và cho rằng khi đó Nhà nước có thể quy định mức giá cao, thấp hoặc giá âm, tùy thời điểm, khu vực địa lý.
Ông góp ý thêm, cơ quan quản lý cần có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhóm cần khuyến khích như vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo, khu vực có yếu tố thời tiết ít thuận lợi nhưng nhu cầu tiêu thụ cao, hoặc truyền tải khó khăn.
“Tại các khu vực địa lý này, có thể cho phép dùng cơ chế bù trừ (net-metering)”, ông đề xuất. Theo ông, ngành điện có thể quy định mức phát lên lưới không vượt quá 20-30% nhu cầu tự tiêu thụ; hoặc quy định cơ chế bù trừ khi phát vào lưới 3 kWh được trừ 1 kWh mua điện.
Cùng đó, theo ông Tuấn, những hộ có bộ lưu trữ, cho phép bán vào hệ thống giờ cao điểm 16-19h với giá cao hơn để khuyến khích lắp lưu trữ và hỗ trợ hệ thống.
Trước đó, một số chuyên gia từng cho rằng đầu tư điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán hoặc giá 0 đồng là “không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường”. Do đó, sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia vì suất đầu tư không hiệu quả.
Họ đề nghị cần có cơ chế để EVN mua lại một phần điện dư thừa. Trường hợp không bán cho EVN, người dân cần được khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong kỳ thanh toán như tín dụng, hoặc tính bằng một tỷ lệ nhất định so với giá mua điện lưới.
Phương Dung
Nguồn: https://vnexpress.net/dut-khoat-khong-co-buon-ban-dien-mat-troi-mai-nha-tu-dung-4742111.html