Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hồ sơ của dự án luật, trong đó có đề nghị bổ sung lập luận cụ thể, thuyết phục hơn về đề xuất quy định thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng và thời hạn cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Về đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, Chính phủ cho biết, qua thời gian triển khai cấp thị thực điện tử, từ giai đoạn thí điểm năm 2017 đến nay, số lượng người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử ngày càng tăng.
Sau khi Chính phủ khôi phục chính sách xuất nhập cảnh như trước giai đoạn dịch Covid-19 (từ ngày 15/3/2022) đến nay, số lượng cấp thị thực điện tử tăng gấp 46,6 lần so với cùng kỳ thời gian trước dịch Covid-19.
Tuy nhiên, do thời hạn thị thực điện tử ngắn (đến 30 ngày) nên chưa thu hút được nhiều hơn người nước ngoài, nhất là số người nước ngoài có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày tại Việt Nam, số người có nhu cầu khảo sát, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tương đối dài ngày.
Chính phủ đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế từ thị trường xa. Việc này còn tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá, so sánh về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Chính phủ, thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng phù hợp với thời gian lưu trú đối với người nước ngoài chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại, người chào bán dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng như cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định FTA.
Bên cạnh đó, việc cấp thị thực điện tử được thực hiện qua xét duyệt nhân sự trước, do đó, so với đơn phương miễn thị thực, việc cấp thị thực điện tử giúp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sàng lọc đối với nhóm người chưa đủ điều kiện nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý.
Về việc nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày, Chính phủ cho biết, qua các nghiên cứu về xu hướng du lịch của ngành du lịch, khách từ các thị trường xa như châu Âu đến Việt Nam thường theo kỳ nghỉ dài từ 15 ngày trở lên và chọn những chương trình du lịch nghỉ dưỡng, xuyên Việt và liên quốc gia.
Ngành du lịch định hướng thu hút khách nghỉ dưỡng biển, lưu trú dài ngày để từng bước cạnh tranh với các nước trong khu vực về du lịch biển, trong khi đó, các nước như Thái Lan, Singapore,… đang áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú đến 45 ngày, 90 ngày.
Do đó, Chính phủ cho rằng việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày là đạt mức trung bình trong khu vực. Qua đó, sẽ nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam trong thu hút du khách; tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày ở Việt Nam.
Chính phủ khẳng định, chính sách mở cửa trong tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ là “đòn bẩy” lớn để thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác doanh nghiệp và nghiên cứu khoa học. Đây là những động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Dự kiến luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5.