Chiều 24/11, phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu về các nội dung của dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, qua tổng hợp, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại tổ và hội trường đều nhất trí về sự cần thiết ban hành luật.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Công an đã điểm lại một số nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Theo đó, các đại biểu đã góp ý về sự cần thiết ban hành luật, về tên gọi và bố cục dự thảo luật, rà soát để tránh chồng lấn về phạm vi điều chỉnh giữa luật này và Luật Đường bộ.
Tiếp đó, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung xe của Viện kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp là xe ưu tiên; quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; về thiết bị giám sát hành trình; quy định về giấy phép lái xe; an toàn giao thông cho học sinh.
Đồng thời, các đại biểu góp ý về hiện đại hóa lực lượng cảnh sát giao thông; kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ; xử phạt vi phạm hành chính; cứu hộ, cứu nạn và xử lý tai nạn giao thông; bảo trì, bảo dưỡng công trình giao thông; biện pháp chống người thi hành công vụ; tín hiệu giao thông; chống ùn tắc giao thông; cấp đổi giấy phép lái xe; dừng đỗ xe, cấm dừng đỗ xe.
Đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về các thiết bị giao thông thông minh; chuyển đổi số; đấu giá biển số xe, niên hạn sử dụng xe; khám sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông; độ tuổi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; vấn đề vận tải đường bộ; người đi bộ; quy định về làn đường và tốc độ của các làn đường cao tốc…
Đối với những ý kiến khác của các đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ để hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng, khả thi trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7.
Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, qua thảo luận, đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động kịp thời của Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra và có báo cáo dự kiến tiếp thu cụ thể.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật; yêu cầu bổ sung cơ sở chính trị pháp lý, thực tiễn, bảo đảm cao nhất an toàn tính mạng của người dân, an ninh quốc gia, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông.
Đại biểu nhất trí với bố cục và nhiều nội dung của dự thảo luật, cũng như hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị chu đáo công phu. Trong đó, đại biểu đề nghị xem xét, đánh giá, phân tích kỹ, đồng thời tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý làm rõ nhiều nội dung như ý kiến đại biểu đã phát biểu.
Đại biểu Quốc hội cho rằng, cũng như Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhận được sự quan tâm cao của người dân do luật có tác động đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong điều kiện giao thông đường bộ Việt Nam là giao thông hỗn hợp, người dân là chủ thể tham gia giao thông và chủ thể điều khiển phương tiện, có phong tục tập quán, nhận thức khác nhau.
Vì vậy, phạm vi, bố cục và nội dung của hai dự án luật cần thiết kế để xử lý phạm vi giao thoa cho phù hợp, trên cơ sở giải quyết rõ mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng đường bộ và các yếu tố kiến trúc thượng tầng bảo đảm an toàn giao thông, giữa hạ tầng phương tiện và con người, cũng như điều kiện thời tiết, khí hậu Việt Nam, giữa yếu tố tĩnh, yếu tố động, yếu tố vừa tĩnh vừa động…
Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tranh luận gửi các đại biểu Quốc hội theo dõi và chuyển các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu tiếp thu giải trình.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng sẽ tổ chức hội nghị tiếp thu, giải trình với các cơ quan Quốc hội chung với 2 cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng thời giải quyết việc xử lý tính phù hợp giữa 2 luật.