Về khó khăn, vướng mắc trong phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, việc phân định này được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện theo Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, lúc đó thực hiện phân định theo miền núi, vùng cao. Giai đoạn 2, thực hiện phân định theo trình độ phát triển, xác định các thôn, xã đặc biệt khó khăn để làm địa bàn đầu tư tập trung trọng tâm trọng điểm.
Trong quá trình phân định thuộc 2 giai đoạn, Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, tham mưu Chính phủ xác định các tiêu chí. Từ năm 1996 đến nay, các chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng trên tinh thần đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn nhất theo tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển.
Gần đây nhất, Nghị quyết 120 của Quốc hội đã giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể để xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 33 để xác định tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển.
Trên cơ sở tiêu chí được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 861, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng ủy quyền ban hành Quyết định số 612 phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn.
Quá trình phân định dựa trên một số tiêu chí: Những xã, thôn có 15% dân số trở lên là người dân tộc thiểu số thì xác định là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xã có tỷ lệ hộ nghèo 15% trở lên thì là xã nghèo. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, với những xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% thì không còn là xã nghèo nữa, tuy nhiên, trong thực tế cũng xuất hiện một số bất cập.
Về tác động của quyết định số 861, các xã không còn là vùng đặc biệt khó khăn nữa, không được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của giai đoạn 2016-2020, đã có tác động, ảnh hưởng đến 12 chính sách. Chính phủ đã giao các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, thông tư có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách bảo hiểm với người dân tộc thiểu số.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan đang sửa Nghị định 146, trong đó có bổ sung, đưa các đối tượng thuộc diện không ở các xã đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn là hộ dân tộc thiểu số khó khăn vào diện tiếp tục thụ hưởng. Dự thảo đang được xin ý kiến các cơ quan liên quan để trình Chính phủ trong thời gian tới.
Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng làm rõ 2 nội dung. ĐB Nguyễn Tạo đề nghị sớm nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật về hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, phần giải trình của Bộ trưởng về Luật Dân tộc.
Vấn đề thứ hai cần làm rõ là những vướng mắc trong thời gian qua liên quan đến đối tượng thụ hưởng các chính sách. Việc thực hiện các chính sách thụ hưởng theo đối tượng hay theo địa bàn, hay cả hai; hoặc trên cơ sở đối tượng, cộng thêm địa bàn. Nếu phân loại như 12 chính sách, có khoảng 2 triệu người không được hỗ trợ chính sách bảo hiểm xã hội; đề nghị bộ trưởng làm rõ. Hiện nay, Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng đang bàn vấn đề này, đề nghị ĐBQH quan tâm, sau phiên chất vấn làm rõ được điều này sẽ rất tốt.
Trả lời câu hỏi mà Chủ tịch Quốc hội gợi mở, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, từ năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã trình đề nghị xây dựng Luật Dân tộc. Sau 2 nhiệm kỳ, đã tổ chức nhiều hội thảo, đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13. Tuy nhiên, lĩnh vực dân tộc liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau, để đảm bảo xây dựng luật phù hợp, thống nhất, không chồng chéo luật khác, cần thời gian nghiên cứu, chưa trình được.
“Quan điểm của tôi có được luật thì tốt, cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng chính sách, nhưng cần căn cơ, đầy đủ vì lĩnh vực này không phải pháp luật chuyên ngành”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.
Thực hiện Kết luận 65 của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội giao nhiệm vụ nghiên cứu Luật Dân tộc trong khoá này do Hội đồng Dân tộc chủ trì nghiên cứu. Ủy ban Dân tộc sẽ chuyển hồ sơ nghiên cứu trước đây và phối hợp thực hiện.